Năng lượng tái tạo và điện khí: Công cụ chống biến đổi khí hậu hiệu quả
Đây là quan điểm của các chuyên gia năng lượng của Tập đoàn GE (Mỹ) tại buổi tọa đàm về phát triển năng lượng với các công nghệ mới nhằm giảm khí thải cacbon, thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động vô cùng nặng nề đến thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nhiều quốc gia. Ông Scott Strazik, Giám đốc điều hành của GE Gas Power cho biết, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một ưu tiên toàn cầu mang tính cấp bách, đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có vấn đề chuyển dịch năng lượng từ nguồn truyền thống sang phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Trên thực tế, rất nhiều quốc gia đều có chương trình cắt giảm khí thải cacbon đến 2030 và xa hơn. Đơn cử như Trung Quốc đặt mục tiêu hạn chế khí thải bằng 0 năm 2060, tương tự mục tiêu này ở Hàn Quốc là vào năm 2050 với mức đầu tư khoảng 110 tỷ USD cho năng lượng tái tạo và các giải pháp khác.
Tại Việt Nam, tham gia Thỏa thuận Paris, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 9% so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) trong giai đoạn 2021 – 2030 và có thể đạt 27% khi nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia đã thực hiện cắt giảm hoặc không phát triển thêm các nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện than, điện hạt nhân) và tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) và điện khí sạch.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng nhanh của năng lượng tái tạo và năng lượng khí có thể nhanh chóng thay đổi quỹ đạo về biến đổi khí hậu. Đây cũng là xu hướng chung đối với các quốc gia châu Á đang tìm kiếm cả hiệu quả năng lượng và phát thải các-bon thấp, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù GE cho rằng không có nguồn điện nào là đủ phục vụ cho nền kinh tế nhưng khi được triển khai song song, chúng có thể thúc đẩy tiến độ và quy mô cắt giảm cacbon cần thiết, giúp đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
Theo ông Scott Strazik, GE đang ưu tiên đầu tư vào các công nghệ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô hiệu quả về mặt chi phí. Tương tự là những công nghệ mới trong các dự án điện khí nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm tác động đến môi trường thông qua việc thu giữ hydro và carbon. Đơn cử như loại tuabin khí HA của GE đã khá thành công khi chứng minh được tính hiệu quả về hiệu suất. Nó đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng từ hơn 44 khách hàng trên 20 quốc gia. Tính đến tháng 2/2021, tuabin khí công nghệ H thế hệ thứ hai của GE đã tích lũy được hơn 850.000 giờ vận hành thương mại. Công nghệ tuabin khí thế hệ H của GE có khả năng đốt cháy tới 50% thể tích hydro trong hỗn hợp với khí tự nhiên, giúp giảm lượng khí thải các bon nhiều hơn nữa cho nhà máy điện khí.
“Sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và điện khí có thể giúp dẫn đến quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả, giúp giảm lượng khí thải carbon lớn hơn” – Chuyên gia GE chia sẻ.
Tại Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII, với sự gia tăng của nguồn điện tái tạo cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống điện, chính vì vậy cần phát triển cân đối nguồn điện cùng các giải pháp đồng bộ thông minh, linh hoạt.
Với mong muốn hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống nhằm đảm bảo độ tin cậy và an ninh cung cấp điện tại Việt Nam, GE đang làm việc với các đối tác địa phương trong việc phát triển một số dự án điện khí LNG như Long Sơn 3.600 MW tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu. Cho đến thời điểm này, GE cũng đã và đang tham gia nhiều dự án điện tại Việt Nam cung cấp tới 30% nhu cầu điện của Việt Nam. Năm 2021 và các năm tiếp theo, GE sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ mới tại các nhà máy điện nhằm thu giữ và khử cacbon.
Được biết, với kinh nghiệm dẫn đầu về công nghệ trong hơn 120 năm, GE đang vận dụng những kinh nghiệm, chuyên môn và quan hệ toàn cầu để giúp thế giới vượt qua thách thức cấp bách này bằng các giải pháp sáng tạo và hiệu quả trong việc giảm phát thải các-bon.