Nâng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan: Cần sự chung tay, phối hợp từ nhiều bên

Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, nhằm nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả cao, rất cần sự ''chung tay'' phối hợp từ nhiều bên.

Giúp doanh nghiệp nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Nâng ý thức cho nhóm doanh nghiệp có mức độ tuân thủ thấp

Về vấn đề tuân thủ pháp luật hải quan, ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro (QLRR) của ngành Hải quan, mới chỉ có trên 10% DN tuân thủ ở mức độ trung bình và cao, trong khi có đến 89% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ thông tin về mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ thông tin về mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn

Từ thực tế này, cùng với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ; từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Vì đây là chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 266 DN với đầy đủ các loại hình: nhà nước, doanh nghiệp FDI, DN nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh XNK. Từ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình.

Lợi ích mà chương trình đem lại cho DN tham gia đó là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, được bố trí luồng riêng để hỗ trợ (tùy theo điều kiện của từng đơn vị); được trợ giúp bởi các cán bộ hải quan có kinh nghiệm, tăng tỷ lệ luồng xanh - giảm tỷ lệ luồng vàng và đỏ (tỷ lệ phân luồng hiện tại luồng xanh 66,11%, luồng vàng 29,82% và luồng đỏ: 4,06%); cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho DN; giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật HQ…

Trong giai đoạn này, TCHQ cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Số liệu tính đến thời điểm này, cả nước có 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan, trong đó có khoảng 7% tờ khai hải quan được làm thủ tục thông qua đại lý; 85% tuân thủ thấp và không tuân thủ, còn lại 15% là tuân thủ cao và trung bình. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng DN tham gia chương trình.

‘‘Mục tiêu mà chương trình hướng đến là sau hai năm triển khai, tất cả DN tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao). Cơ quan Hải quan sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các DN tham gia chương trình là những tuyên truyền viên để giúp các DN còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật...’’- ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Cần sự chung tay phối hợp từ nhiều bên

Để chương trình đạt hiệu quả cao, ông Hoàng Việt Cường cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan hải quan. Các cục hải quan địa phương ngoài việc chủ động hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ các DN tự nguyện tuân thủ cũng cần phối hợp chặt chẽ với cấp tổng cục, cấp chi cục; với các đơn vị sở ban ngành trên địa bàn trong việc tạo điều kiện cho cộng đồng DN tự nguyện tuân thủ pháp luật, cũng như tạo thuận lợi rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với đại diện doanh nghiệp và các bên tham gia chương trình. Ảnh Đỗ Doãn

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với đại diện doanh nghiệp và các bên tham gia chương trình. Ảnh Đỗ Doãn

Trong khi đó, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị nội bộ, các đơn vị thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội DN kịp thời tổng hợp các vướng mắc, hướng dẫn chi tiết cụ thể, điều phối chung để chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra; đồng thời tổng hợp kiến nghị của cộng đồng DN và cơ quan hải quan đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách về hải quan và kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN và người dân.

Về phía cộng đồng DN, việc triển khai ”Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật” trước hết đem lại lợi ích cho DN và cộng đồng DN; nên DN cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật hải quan hiện nay, nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ.

‘‘Đề nghị các hiệp hội phổ biến tuyên truyền các thành viên thống nhất quan điểm, chủ trương của Chính phủ và cách thức thực hiện của cơ quan Hải quan trong việc giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, đồng thời tham gia cùng cơ quan hải quan trong việc giám sát thực hiện chương trình; kịp thời khen thưởng động viên các DN đạt thành tích cao trong quá trình thực hiện...’’ – ông Hoàng Việt Cường nói./.

Hải quan và doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh góp phần chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ngành Hải quan ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia chương trình này, coi đây là những nhân tố quan trọng, tiên phong trong việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan như một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-muc-do-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-can-su-chung-tay-phoi-hop-tu-nhieu-ben-112878.html