Nâng mức phạt giúp 'xây' văn hóa giao thông
Nghị định 168 có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao ý thức và bảo đảm an toàn giao thông. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình, cùng nhau xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ Việt Nam áp dụng để kiềm chế tình trạng vi phạm giao thông, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Một trong những thay đổi dễ nhận thấy ngay từ đầu năm 2025 là việc ý thức tham gia giao thông của nhiều người đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là tại các ngã tư, nơi tình trạng vượt đèn đỏ, chen lấn diễn ra phổ biến trước đây.
Theo nhiều đánh giá, việc tăng mức xử phạt không chỉ là biện pháp cứng rắn mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông. Trước đây, với mức phạt nhẹ, nhiều người có thể coi đó như một hình thức phạt mang tính chất tượng trưng, không đủ sức răn đe. Nhưng với mức xử phạt tăng lên cùng với sự nghiêm khắc trong việc áp dụng các chế tài, có thể thấy rõ sự thay đổi trong hành vi của không ít người tham gia giao thông.
Cụ thể, tại các ngã tư, nơi đèn tín hiệu giao thông là yếu tố quan trọng điều phối giao thông, tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ đã giảm hẳn. Mọi người bắt đầu tuân thủ luật lệ giao thông, dừng xe đúng quy định, không còn tranh thủ thời gian khi đèn vừa chuyển đỏ để "chạy vội”.
Sự thay đổi này không chỉ là kết quả của mức phạt cao hơn, mà còn phản ánh một phần tác động của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông mà các cơ quan chức năng thực hiện trong suốt thời gian qua. Người dân đã nhận thức rõ ràng hơn về sự nguy hiểm khi vi phạm luật giao thông và hậu quả có thể xảy đến. Bên cạnh đó, sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Một điểm đáng chú ý là mức phạt tăng lên không chỉ áp dụng cho hành vi vượt đèn đỏ mà còn cho nhiều hành vi khác như đi sai làn đường, sử dụng điện thoại khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm... Điều này cho thấy sự đồng bộ và toàn diện trong việc nâng cao ý thức người dân về việc tham gia giao thông an toàn.
Tuy nhiên, dù có sự chuyển biến tích cực, việc thay đổi hoàn toàn ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn cần thời gian và sự kiên trì. Các biện pháp xử phạt là cần thiết nhưng để tạo ra một môi trường giao thông an toàn, chúng ta cũng cần có những giải pháp kết hợp như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường công tác đào tạo lái xe, đặc biệt là duy trì công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Nhìn chung, Nghị định 168 có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao ý thức và bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy hiệu quả lâu dài, chúng ta cần tiếp tục đổi mới các biện pháp quản lý và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng một xã hội giao thông văn minh, an toàn.
Việc tăng mức phạt vi phạm giao thông là biện pháp mạnh mẽ được nhiều quốc gia áp dụng nhằm cải thiện tình hình. Tại nước ta, việc tăng mức phạt cũng đã được thực hiện nhiều lần với hy vọng sẽ răn đe và giảm thiểu các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc tăng mức phạt có thực sự đủ để xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, hay cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở ý thức của mỗi người?
Rõ ràng, việc này mang lại những hiệu quả nhất định. Mức phạt cao hơn sẽ khiến người vi phạm phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện hành vi sai trái. Nhiều người cho rằng, tăng mức phạt chỉ giải quyết được vấn đề ở bề mặt, chưa thể quyết định ý thức và thói quen của người tham gia giao thông. Đây là một biện pháp cần thiết nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Để xây dựng một nền văn hóa giao thông thực sự văn minh, chúng ta cần có sự kết hợp đồng bộ giữa nhiều giải pháp, trong đó yếu tố ý thức của mỗi người đóng vai trò quan trọng nhất. Mỗi người dân cần tự giác chấp hành luật giao thông, tôn trọng luật lệ và cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh bắt đầu từ việc nhỏ.
Nói cách khác, để cải thiện tình hình giao thông tại Việt Nam, chúng ta cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức người dân đến việc hoàn thiện hạ tầng giao thông và tăng cường công tác quản lý.
Theo đó, cần lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học từ cấp tiểu học, giúp hình thành ý thức tuân thủ luật giao thông từ nhỏ cho công dân. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền qua báo chí, mạng xã hội, các chiến dịch truyền thông xã hội để tăng cường nhận thức của công dân về luật giao thông và tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ. Tạo ra những hình mẫu người tham gia giao thông văn minh để lan tỏa những hành vi tốt đẹp trong cộng đồng.
Để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình, cùng nhau xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, an toàn.
Nghị định Nghị 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025 và sẽ thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP). Theo đó, cơ quan soạn thảo đã tăng mạnh mức xử phạt hành chính đối với một số hành vi có tính chất cố ý và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn.
Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng. Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2 - 3 lần so với hiện hành.
Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành.
Đa số người dân đồng tình ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông đối với một số lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng việc tăng mức sử phạt quá cao, vượt quá nhiều lần thu nhập hàng tháng sẽ gây khó khăn cho người vi phạm...
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-muc-phat-giup-xay-van-hoa-giao-thong-299910.html