Nâng mức phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn: Sự mạnh tay cần thiết

10 ngày kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, số vụ tai nạn từ rượu, bia trên toàn quốc nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng, đã giảm đáng kể.

Quy định mới với mức phạt nặng, có tác dụng răn đe cao là sự mạnh tay cần thiết. Các quy định trên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, song vẫn cần được tuyên truyền rõ hơn...

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản xử phạt hành chính người vi phạm quy định về nồng độ cồn tại ngã tư Hàng Đậu - Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Quang Thái.

Luật, nghị định ngay lập tức đi vào cuộc sống

Thực tế cho thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/ 2019/NĐ-CP đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.
Qua 10 ngày triển khai, ghi nhận từ các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số ca cấp cứu tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia giảm rõ rệt. Đặc biệt, không ít người bấy lâu vốn sa đà trong bia, rượu cũng giật mình tỉnh ngộ, bởi những quy định nghiêm ngặt không chỉ buộc họ phải cân nhắc mỗi khi bước vào cuộc nhậu mà còn bởi chính họ cũng nhờ thế mà giảm được đáng kể số cuộc nhậu, số lượng bia rượu đưa vào người, mà về sâu xa là có lợi cho chính họ. Số liệu thống kê chính thức từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, sau một tuần ra quân quyết liệt của các lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày giảm được 4 người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia so với năm 2019. Còn trên địa bàn Thủ đô, đã giảm 11 vụ tai nạn giao thông và giảm 9 người chết. Lần đầu tiên sau 10 năm, Hà Nội giảm được 9 người chết vì tai nạn giao thông trong 1 tuần vào dịp Tết Dương lịch.

Có thể nói, việc thực hiện liệu pháp mạnh, đủ sức răn đe nhưng cũng rất nhân văn, mang tính cứu người này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho biết, từ ngày 1 đến 9-1, có đến 99% người dân phản ánh đến Quốc hội hoan nghênh Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Nói về quy định xử phạt mới, ông Vũ Trọng Nghĩa ở ngõ Phất Lộc (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) - một trong những người dân đầu tiên bị kiểm tra nồng độ cồn tại nút giao thông Hàng Cót bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho biết, sẽ không bao giờ sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thị Thoan (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) nhận xét: “Chưa khi nào tôi thấy luật và nghị định nào lại đi vào cuộc sống nhanh chóng, thiết thực như thế”.

Qua thực tế nắm bắt thông tin, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, bên cạnh sự ủng hộ, một số người dân cũng thắc mắc. Một số ý kiến trên mạng xã hội “mách” nhau rằng, ống thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây bệnh rất cao. Lại có không ít người cũng bày tỏ sự nghi ngại về việc làm phiền hà đến người dân khi lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, xử phạt... Ông Trần Hồng Quang, tổ dân phố 11, phường Quang Trung (quận Hà Đông) thì đặt vấn đề: Khi uống siro ho, ăn hoa quả có thể tạo ra nồng độ cồn trong khí thở, có bị phạt không? Uống rượu ngâm thuốc để trị bệnh đau lưng thì có bị phạt khi lái xe không?

Về những thắc mắc này, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, người được kiểm tra chỉ cần thổi vào ống cho đến khi lượng khí thở đạt yêu cầu, thao tác nhanh chóng, đơn giản. Thời gian tính từ lúc lượng khí thở của người được kiểm tra đạt yêu cầu đến lúc máy cho kết quả đo, in phiếu là 5 giây, tổng thời gian kiểm tra đối với mỗi trường hợp không đến 1 phút. Mỗi người bị kiểm tra sẽ được sử dụng một ống thổi bảo đảm yêu cầu vệ sinh, chỉ sử dụng 1 lần. Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin thêm, trong số 84 người vi phạm quy định về nồng độ cồn bị xử lý trong đợt ra quân một tuần đầu, chưa trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro ho, ăn hoa quả. Khi được yêu cầu thử nồng độ cồn, người dân có quyền giải thích và yêu cầu thổi lại lần hai sau 15 phút khi nồng độ cồn trở lại bằng 0.

Công tác tuyên tuyền có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Bá Hoạt

Tuyên truyền kỹ hơn để thực hiện nghiêm túc

Có thể khẳng định việc nghiêm cấm hoàn toàn người có nồng độ cồn được điều khiển phương tiện thể hiện sự tiến bộ, văn minh, góp phần tích cực kéo giảm tai nạn giao thông. Quy định là rất nghiêm khắc song đó là sự nghiêm khắc đầy nhân văn, lấy nghiêm trị để cứu người, vì mỗi người và vì cả cộng đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chính sách mới, tác động đến thói quen xấu liên quan đến "văn hóa" bia rượu, "văn hóa" giao thông, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn nữa, phải rõ hơn và kỹ hơn.

Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho biết, sở đã in và phát tới các quận, huyện, thị xã hơn 1 nghìn tờ rơi tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Còn theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), ngoài việc tuyên truyền trên mạng xã hội, trực tiếp và qua các tờ gấp, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của rượu, bia bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh đặt tại các ngã tư đường phố, dán băng rôn trên xe buýt...

Cũng về vấn đề này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đưa nội dung này vào nội quy, quy chế của cơ quan. Trong khi đó, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh niên không uống rượu, bia...

Về phần mình, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng bày tỏ quan điểm: "Chúng ta không cấm uống rượu, bia, nhưng phải uống có trách nhiệm, đồng thời hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe” như thói quen “đã lên xe máy là đội mũ bảo hiểm”. Trước mắt, để góp phần đưa luật, nghị định vào cuộc sống cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân; sự tuyên truyền của các cơ quan, đoàn thể để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc".

Hà Phong - Dương Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phap-luat/955281/nang-muc-phat-vi-pham-quy-dinh-ve-nong-do-con-su-manh-tay-can-thiet