Nâng ngưỡng điểm – đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh

Việc nâng ngưỡng điểm sẽ giúp các cơ sở giáo dục đảm bảo được chất lượng đầu vào cũng như đáp ứng các tiêu chí trong quá trình đào tạo.

Nâng ngưỡng điểm – đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh.

Nâng ngưỡng điểm – đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh.

Ưu tiên chọn tổ hợp để tăng khả năng trúng tuyển

Ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 17/7 vừa qua, các thí sinh đã đăng ký trực tuyến hoặc điều chỉnh nguyện vọng để xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Đây là năm thứ tư Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hình thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống.

Với kết quả phổ điểm bình quân cao hơn năm 2023, trong quá trình thực hiện đăng ký xét tuyển, các trường Đại học, Cao đẳng lưu ý các thí sinh cần cân nhắc và có thể thay đổi tổ hợp môn xét tuyển theo kết quả bài thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, cần ưu tiên chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để tăng khả năng trúng tuyển.

Năm 2024, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tuyển sinh 2.745 chỉ tiêu, với 22 ngành gồm: Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Ô tô, Kỹ thuật Cơ khí…Nhà trường tuyển sinh thông qua 4 phương thức gồm xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng, Kết quả đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) trên máy tính.

PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Mới đây trường vừa công bố mức điểm sàn để các thí sinh có thể lựa chọn cân nhắc đăng ký nguyện vọng.

Trong đó, ngành đào tạo có điểm sàn cao nhất là: Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch), với 24 điểm; 3 ngành đào tạo có điểm sàn 19 điểm là: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; các ngành còn lại có mức điểm sàn từ 16 điểm đến 18 điểm.

Cũng theo PGS.TS Ngô Như Khoa, thời điểm này các thí sinh cần tìm hiểu về các ngành nghề mình yêu thích cũng như tiêu chí tuyển sinh, qua đó cân nhắc số điểm để có lựa chọn theo đúng năng lực và sở thích.

 Tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch) có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao nhất là 24 điểm.

Tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch) có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao nhất là 24 điểm.

Nâng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh

Cùng với việc thực hiện tiếp nhận đăng ký xét tuyển của các thí sinh, Hội đồng tuyển sinh Đại học Thái Nguyên cũng đã xây dựng phương án ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào diện xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo dự kiến, về cơ bản mức điểm sàn năm nay sẽ được điều chỉnh theo hướng nâng cao so với năm 2023.

Các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tuy nhiên, Đại học Thái Nguyên lưu ý thí sinh, đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ chứ không phải điểm trúng tuyển. Trên thực tế mức điểm này có thể sẽ có chênh lệch so với mức điểm chuẩn.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường, các đơn vị thành viên theo hướng đơn giản hóa các phương thức tuyển sinh, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá; phân bổ chỉ tiêu cho mỗi phương thức xét tuyển đảm bảo công bằng đối với thí sinh, giảm tỉ lệ xét tuyển theo phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, gây khó khăn cho thí sinh.

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên Đại học Thái Nguyên tổ chức Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) trên máy tính. Đại học Thái Nguyên dự kiến dành khoảng từ 5-15% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học cho phương thức xét tuyển mới này.

 Đại học Thái Nguyên đã tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) đợt 1 với số lượng hơn 600.

Đại học Thái Nguyên đã tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) đợt 1 với số lượng hơn 600.

Đầu tháng 6 năm 2024, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) đợt 1 với số lượng hơn 600 thí sinh tham gia dự thi tương ứng 1.978 lượt đăng ký thi theo môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Tiếng Anh). Dự kiến đợt thi tiếp theo vào ngày 17-18/8/2024.

Trên cơ sở kết quả thi tốt nghiệp THPT, Hội đồng tuyển sinh của Đại học Thái Nguyên đã họp và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các ngành đào tạo của các trường, đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên trong đó ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe sẽ công bố sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành này.

Ngoài ra, Đại học Thái Nguyên cũng thống nhất nâng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo định hướng chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài và một số chương trình đào tạo trọng điểm của Đại học Thái Nguyên (như Công nghệ bán dẫn, Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ ôtô điện,…).

Hiện nay, các trường đang tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển của các thí sinh. Do vậy với ngưỡng điểm sàn của các trường sẽ là căn cứ để các thí sinh đã có những cân nhắc, điều chỉnh đăng ký xét tuyển đến hết thời gian theo quy định.

Theo khuyến cáo của nhiều trường, mặc dù năm nay Bộ GD&ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh, tuy nhiên tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh đều được xử lý trên Hệ thống, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký.

Do đó các thí sinh cần điền đúng thông tin, tránh làm ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển sau này.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-nguong-diem-dam-bao-chat-luong-dau-vao-tuyen-sinh-post693128.html