Nâng nhịp cầu cho tàu thuyền vào tránh bão
Hình ảnh cầu đi bộ lịch sử Nguyễn Văn Trỗi của TP Đà Nẵng nâng nhịp cho tàu, thuyền ra vào sâu trong sông Hàn để tránh trú bão số 5 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và sự ngạc nhiên không ít của ngay chính người dân Đà Nẵng.
12h30’ trưa 19/9, Xí nghiệp quản lý cầu (Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng) đã mở vận hành nâng hạ cầu vàng đi bộ Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn để tàu thuyền tránh trú ở phía thượng nguồn trở về Cảng tàu thuyền du lịch trên sông Hàn.
Trước đó, ngày 18/9 ngay trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền, người dân Đà Nẵng bất ngờ khi chứng kiến cây cầu đi bộ màu vàng gắn với nhiều sự kiện lịch sử Nguyễn Văn Trỗi đã tự nâng lên để tàu thuyền vào sâu trong sông Hàn tránh trú bão. Cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm ngay cạnh và song song với cầu Trần Thị Lý bắc ngang qua sông Hàn thơ mộng, và là cây cầu có niên đại lâu đời nhất của TP Đà Nẵng.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi (tên trước đây là cầu Nguyễn Hoàng) được xây dựng năm 1965 và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Trước đó, năm 1960, cầu Trần Thị Lý (có tên là Trịnh Minh Thế) đã được xây dựng cách 70m về phía thượng lưu, sông đây là cầu đường sắt, sau năm 1975 mới cải tạo thành cầu đường bộ.
Mục đích ban đầu của cây cầu này là phục vụ việc vận chuyển khí tài từ cảng Tiên Sa vào Đà Nẵng nên quân đội Mỹ chỉ xây dựng theo kiểu dã chiến. Cầu gồm 14 nhịp dàn thép PONI có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề cho người đi bộ. Sau này, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi – người đã thực hiện cuộc đánh bom ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964, được đặt tên cho cây cầu này để tưởng nhớ đến công lao to lớn của anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 2010, để xây dựng mới cầu Trần Thị Lý (loại cầu dây văng một trụ tháp nghiêng, cao 145m so với mực nước biển, trên đỉnh tháp có bố trí sàn vọng cảnh phục vụ du khách tham quan với tổng vốn đầu tư hơn 1.4000 tỉ đồng), UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tháo dỡ hai cây cầu cũ là Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi vốn đã xuống cấp nặng nề.
Theo kế hoạch, sau khi cầu Trần Thị Lý (mới) xây dựng xong vào năm 2013 sẽ tiếp tục tháo dỡ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên trong chuyến thị sát, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bấy giờ ông Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo nghiên cứu giữ lại cây cầu có kết cấu dạng cầu dàn thép PONI với kiến trúc khá đẹp này và biến thành cầu đi bộ. Bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sau khi hoàn thành.
Từ năm 2015, hệ thống điều khiển, nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi được thực hiện cải tạo với tên dự án Cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống điều khiển và giám sát nhịp nâng cầu phục vụ thông thuyền tại cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Theo ông Lê Ngọc Biên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu (Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng): Nhịp nâng của cầu Nguyễn Văn Trỗi có vận tốc là 0,233 m/phút, nhịp cầu được nâng hạ có tải trọng gần 200 tấn, Chiều dài nhịp thông thuyền được nâng là 36,45m, rộng 8m. Khẩu độ tối đa có thể nâng hạ là 3,6m. "Để nâng hạ nhịp cầu nặng gần 200 tấn, hệ thống nâng gồm 4 mô-tơ điện loại lớn vận hành 4 kích lớn (mỗi kích chịu lực 100 tấn, tổng cộng 4 kích nâng hạ 400 tấn, gấp đôi trọng lượng nhịp cầu).
Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, ngoài cầu quay Sông Hàn nổi tiếng , thì còn có cầu nâng nhịp Nguyễn Văn Trỗi. Không chỉ có công năng độc đáo tự nâng để cho tàu thuyền vào sâu trong sông Hàn tránh bão, mà cây cầu còn ghi dấu sự kiện lịch sử của Đà Nẵng và hiện là một điểm tham quan du lịch độc đáo, ấn tượng của người dân và du khách khi đến TP Đà Nẵng.