Nâng niu sự sống

Với tình yêu nghề, thương bệnh nhân như người thân, các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã và đang cứu chữa cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh nặng, nguy hiểm.

Bệnh nhi mắc bệnh nặng được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Bệnh nhi mắc bệnh nặng được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Nhiều bệnh nhi thoát “cửa tử”, được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình là hạnh phúc, cũng là động lực để các thầy thuốc tiếp tục hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Hai lần phẫu thuật trên cơ thể bệnh nhi nặng 1,5kg

BS Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vui mừng chia sẻ, sau 1 tháng được các y, bác sĩ tích cực chăm sóc, điều trị, bé sơ sinh con chị P.T.T. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã hồi phục ngoạn mục, được xuất viện về nhà.

BS CKII HUỲNH THỊ THANH, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tâm sự: “Có những bệnh nhi nhiễm HIV bị bỏ rơi sau khi được chăm sóc, điều trị, sức khỏe tốt đã được các y, bác sĩ tìm mạnh thường quân nhận nuôi. Đến nay, bệnh nhi thi thoảng gọi điện hỏi thăm các y, bác sĩ trong khoa, báo tình hình sức khỏe, chia sẻ về cuộc sống thường ngày cho chúng tôi được biết”.

Một ngày cuối tháng 4-2022, chị P.T.T. sinh 2 con khi thai nhi mới ở tuần thứ 32. Do sinh non nên một trong 2 em bé chỉ nặng 1,5kg. Sau khi sinh, bé bị suy hô hấp, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán em bé bị hạ đường huyết, viêm phổi nặng… cần theo dõi nhiễm trùng sơ sinh. Những ngày tiếp theo, bé không thể đi cầu và bụng chướng, được điều trị bằng dịch truyền, kháng sinh và cho thở oxy, làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây chướng bụng.

Điều không may xảy đến với bệnh nhi khi các bác sĩ xác định em bị thêm bệnh Hirschsprung (bệnh phình đại tràng bẩm sinh). Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cho em. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bệnh nhi bị thủng dạ dày nên phải thực hiện ca phẫu thuật tiếp theo, được hồi sức hậu phẫu, điều trị tích cực bằng thở máy, chống sốc, kháng sinh đặc hiệu liều cao và đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần với hàm lượng dinh dưỡng cung cấp năng lượng cao.

Sau 3 tuần hồi sức tích cực, nằm lồng ấp thở máy, bệnh nhi dần hồi phục và bú được, đi tiêu qua hậu môn tạm. Khi tình trạng bệnh được cải thiện, bệnh nhi được chuyển sang Khoa Sơ sinh để tiếp tục chăm sóc, điều trị. 1 tháng sau điều trị, bệnh nhi đã bú tốt, cân nặng tăng lên 2kg, bụng không còn chướng, được xuất viện về nhà.

Theo BS Vũ Công Tầm, để có được kết quả kể trên, các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhi, kịp thời xử lý khi có diễn biến bất thường. Việc một em bé sơ sinh sinh non, thể trạng quá yếu lại bị bệnh lý phức tạp hồi phục ngoạn mục, thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần trong gang tấc đem đến niềm vui vô bờ cho cả gia đình bệnh nhi và các y, bác sĩ đã điều trị, chăm sóc bệnh nhi.

“Đã nhiều lúc chúng tôi nghĩ em bé không thể qua khỏi do thể trạng quá non yếu mà bị nhiều bệnh lý phức tạp. Việc phẫu thuật trên cơ thể em bé chỉ nặng 1,5kg rất khó khăn, phức tạp nhưng với tình yêu thương bệnh nhi và những kiến thức, kinh nghiệm có được, cuối cùng các y, bác sĩ, bệnh nhi đã chiến thắng. Em bé sẽ được gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, 6 tháng sau quay lại bệnh viện để các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật chữa bệnh phình đại tràng bẩm sinh” - BS Tầm bộc bạch.

* Bù đắp thiệt thòi cho bệnh nhi

Trước đó, bé gái 4 ngày tuổi T.T.H., bị nhiễm trùng uốn ván, nguy hiểm đến tính mạng cũng đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cứu chữa thành công. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, co giật toàn thân, khó thở. Nguyên nhân nhiễm trùng uốn ván do mẹ bé sinh rớt tại nhà, người nhà đã tự lấy dao lam để cắt dây rốn cho em bé.

Sau khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, hỗ trợ em bé thở máy, sử dụng thuốc chống co giật và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh điều trị.

BS Nguyễn Thị Huế cho hay, việc điều trị cho bệnh nhi H. gặp rất nhiều khó khăn. Bé co giật, gồng cứng toàn thân. Xác định đây là ca uốn ván sơ sinh nguy hiểm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho em bé. Trong quá trình điều trị, em bé bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, các bác sĩ đã điều trị kết hợp các kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhi cũng phải thở máy trong thời gian dài.

Theo BS Huế, trước đây, khi tiếp nhận ca uốn ván sơ sinh, bệnh viện thường chuyển lên tuyến trên do việc điều trị rất phức tạp, tỷ lệ tử vong từ 80-90%. Tuy nhiên hiện nay, bệnh viện đã điều trị thành công cho ca uốn ván sơ sinh phức tạp. Với sự nỗ lực, kiên trì của các y, bác sĩ, em bé đã phục hồi tốt, đã cai được máy thở.

BS CKII Huỳnh Thị Thanh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, không riêng gì bệnh nhi H. mà tất cả các bệnh nhi khi được đưa đến khoa đều được các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong khoa điều trị, chăm sóc tận tình, chu đáo. Có những bệnh nhi bị bỏ rơi, không có người thân được chăm sóc, điều trị tại khoa trong một thời gian dài. Chính các y, bác sĩ là người nhà của các bé, nâng niu các bé như chính con, cháu của mình để bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho các bé.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202206/nang-niu-su-song-3120202/