Nặng nỗi lo việc làm, đời sống
Công đoàn các KCX-KCN TP HCM tổ chức đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động
Ngoài giám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp (DN) lợi dụng dịch bệnh để cắt giảm lao động, nhất là lao động lớn tuổi, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho đối tượng này để họ ổn định cuộc sống. Đó là kiến nghị của đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở tại chương trình gặp gỡ, đối thoại do CĐ các KCX-KCN TP tổ chức mới đây tại KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM).
Bất an về tương lai
Dịch Covid-19 bùng phát từ sau Tết nguyên đán khiến nhiều DN không có đơn hàng, phải cho công nhân (CN) nghỉ chờ việc luân phiên, thậm chí, có đơn vị buộc phải cắt giảm lao động. Đột ngột mất việc khiến tâm lý CN bất an về tương lai, nhất là CN lớn tuổi.
Ông Đào Hữu Tuấn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nanu (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không thể thu hồi công nợ, không có đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất suốt nhiều tháng liền. Hiện nay, công ty chỉ cho CN làm nửa ngày, nghỉ nửa ngày. "CN sống bằng đồng lương nên việc thiếu việc làm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, khó khăn vì thế thêm chất chồng. Xin hỏi, trong trường hợp này, DN và người lao động (NLĐ) có được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ và TP hay không. Nếu có thì điều kiện, thủ tục ra sao" - ông Tuấn đặt vấn đề.
Ngoài băn khoăn về đối tượng được hỗ trợ, trăn trở lớn nhất của đội ngũ cán bộ CĐ là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh một số DN buộc phải tái cấu trúc, sắp xếp lại lao động, vẫn có nhiều DN lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để sa thải lao động, nhất là lao động lớn tuổi. "Lao động lớn tuổi đa số trình độ thấp, tay nghề giản đơn, do vậy rất khó tìm việc làm. Sắp tới, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và TP có biện pháp nào để vừa bảo vệ vừa đào tạo nghề cho đối tượng này?" - ông Vũ Thanh Phương, Chủ tịch CĐ Công ty CP US Pharma (KCN Tây Bắc Củ Chi), nêu lên thực trạng.
Chị Nguyễn Thị Thuần, CN Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM), phản ánh do gặp khó khăn bởi dịch bệnh, DN nơi chị làm việc đã cho hơn 1.000 CN nghỉ chờ việc trong 3 tháng, hưởng lương tối thiểu vùng (4.420.000 đồng/người/tháng). Mới đây, công ty vận động CN lớn tuổi làm đơn xin nghỉ việc và nếu tình hình không cải thiện thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả CN. "Tôi rất hoang mang bởi nghỉ việc lúc này đồng nghĩa với việc khó khăn bủa vây. Tôi còn cha mẹ già và 2 con nhỏ. Mất việc ở tuổi 40, liệu tôi có thể xin việc được không?" - chị Thuần nói trong nước mắt.
Đừng cạn tình với công nhân
Bày tỏ cảm thông với những trăn trở của đội ngũ cán bộ CĐ và CN, ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các KCX-KCN TP, cho biết trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, HĐND TP HCM đã ban hành Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND, trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức hỗ trợ NLĐ là 1 triệu đồng/tháng. Hiện Ban Quản lý các KCX-KCN TP đã tiếp nhận 1.196 hồ sơ của NLĐ và hồ sơ của 49 CN bị mất việc nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đang xúc tiến thủ tục nhanh nhất để NLĐ được hưởng chế độ này.
Giải đáp thắc mắc cho đội ngũ cán bộ CĐ về trình tự, thủ tục cắt giảm lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật CĐ (trực thuộc LĐLĐ TP), cho biết trước khó khăn do dịch Covid-19, rất nhiều DN đã áp dụng khoản c, điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012 (do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác) để cắt giảm lao động. Thế nhưng, DN phải chứng minh được là đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Còn nếu DN căn cứ vào điều 45, 46, 47 Bộ Luật Lao động năm 2012 để cắt giảm lao động thì phải xây dựng phương án sử dụng lao động. Trong phương án sử dụng lao động, DN phải làm rõ số lượng NLĐ tiếp tục được đào tạo để sử dụng, số lượng NLĐ được chuyển sang làm việc không trọn thời gian và số lượng NLĐ phải chấm dứt hợp đồng lao động. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. "Căn cứ quy định của pháp luật, cán bộ CĐ cơ sở phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ chính sách đối với CN bị mất việc. Nếu phát hiện DN thực hiện chưa đúng thì mạnh dạn góp ý; đề xuất Ban Quản lý và CĐ các KCX-KCN can thiệp xử lý nếu quyền lợi NLĐ không được bảo đảm" - ông Triều lưu ý.
Trước phản ánh của đội ngũ cán bộ CĐ về việc nhiều DN lợi dụng dịch bệnh để sa thải lao động lớn tuổi, ông Triều bày tỏ thái độ không đồng tình. "DN đừng quá cạn tình với NLĐ, bởi sau lưng họ còn có gia đình và con cái. DN có thể lựa chọn phương án cho NLĐ nghỉ việc tạm thời, khi có đơn hàng thì bắt tay vào sản xuất ngay mà không tốn chi phí tuyển dụng, đào tạo" - ông Triều góp ý.
Lo thiếu chỗ ở, chỗ gửi con
Tại chương trình đối thoại, nhiều cán bộ CĐ và CN cũng bày tỏ lo lắng về hiện tượng đua xe, cướp giật xảy ra vào ban đêm tại các KCX-KCN. Một số KCX-KCN vẫn chưa có nhà trẻ, nhà lưu trú, sân chơi cho CN. Do thiếu việc, mất việc làm, rất nhiều CN rơi vào bẫy tín dụng đen...
"Đảng ủy, Ban Quản lý và CĐ các KCX-KCN TP cho biết rất trân trọng những ý kiến đóng góp của cán bộ CĐ và anh chị em CN. Đối với các đề xuất thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ phối hợp giải quyết rốt ráo nhằm hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ. Đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở tiếp tục sâu sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm của CN, những khó khăn của DN, từ đó chủ động đề xuất Ban Quản lý có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ" - ông Võ Cao Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy các KCX-KCN TP, bày tỏ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nang-noi-lo-viec-lam-doi-song-20200615213453599.htm