Nắng nóng buộc Hy Lạp đóng cửa trường học, hành khách 'bất tỉnh' trên đường băng
Đợt nắng nóng đầu hè ở Hy Lạp đã khiến nước này phải đóng cửa khu du lịch cổ Acropolis, đình chỉ các trường học khắp thủ đô Athens, trong khi hành khách 'bất tỉnh' vì mắc kẹt trên máy bay.
Nhiệt độ dự kiến đạt 43 độ C vào hai ngày 12 - 13/6 ở các vùng của Hy Lạp do gió phía nam mang theo không khí nóng và bụi từ Bắc Phi. Nhiều trường tiểu học, mầm non trên cả nước sẽ đóng cửa trong 2 ngày.
Đồi Acropolis, nơi có một trong những địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất thế giới bao gồm đền Parthenon, đã đóng cửa từ trưa đến 5h chiều. Nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ phát chai nước cho khách du lịch.
Trước đó ngày 10/6, chuyến bay 204 của Qatar Airways đã bị hoãn trên đường băng ở thủ đô Athens khi nhiệt độ lên tới 35 độ C. Hàng chục hành khách mắc kẹt trên chiếc Boeing 777 trong khi điều hòa bị trục trặc.
3 giờ tiếp theo, hành khách bắt đầu đổ mồ hôi và cởi bỏ quần áo. Một nhà trị liệu thể thao đã chia sẻ video về tình trạng hỗn loạn, cho thấy những hành khách khó chịu đang quạt mát để hạ nhiệt. Ông viết: "Các hành khách thực sự bị mất nước và bất tỉnh trên máy bay".
Những hình ảnh khác mà The Sun thu được cho thấy một người đàn ông cởi trần, người đầy mồ hôi.
Hành khách đã được rời khỏi máy bay sau 3 giờ. Chuyến bay hạ cánh ở thủ đô Doha của Qatar vào sáng 11/6, muộn hơn 16 giờ so với dự kiến, theo dữ liệu từ Flightradar24.
Qatar Airways đã có lời xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, cho biết hành khách đã được nhân viên Qatar hỗ trợ trong khi sự cố được khắc phục. Ngoài ra, hành khách đã được thông báo về quyền lợi bồi thường của mình theo quy định hiện hành.
Sự cố nêu bật cuộc khủng hoảng khí hậu, gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn, có thể gây ra vấn đề cho các hãng hàng không và hành khách.
Hy Lạp là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khí hậu. Năm ngoái, nhiệt độ tăng cao đã gây ra các vụ cháy rừng chết người và mưa thất thường, cùng với đó là một số trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử. Cả hai đều gây thiệt hại cho mùa màng và sinh kế.
Các nhà khoa học cho biết mùa đông năm ngoái là mùa nóng kỷ lục và lượng mưa thấp, tạo điều kiện cho nhiều đám cháy xảy ra hơn.
Tình trạng tương tự đã xảy ra vào năm ngoái ở hầu hết miền nam châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, nơi hỏa hoạn khiến hàng chục người thiệt mạng.
Hoài Phương (theo Reuters, Business Insider)