Nắng nóng cao điểm: Đề phòng sốc nhiệt

Nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng khiến nhiều người gặp phải tình trạng say nắng, say nóng khi làm việc ngoài trời. Theo các chuyên gia y tế, say nắng có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khuyến cáo, 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu. Ảnh: BVCC.

Nhiều trường hợp nguy kịch

Mới đây, một nam thanh niên 21 tuổi (Phú Thọ) đã được đưa vào cấp cứu tại trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow (thang điểm đánh giá ý thức) chỉ 5 điểm, thở qua bóp bóng, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ thực hiện các biện pháp hồi sức và kiểm tra toàn diện để loại trừ tình trạng bất thường não, mạch não và các nguyên nhân khác.

Kết quả kiểm tra xác định nam thanh niên bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao 30 - 40%. Sau khi áp dụng đồng thời nhiều biện pháp điều trị cực, ý thức người bệnh tỉnh dần, các rối loạn dần ổn định. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân rút được máy thở, xuất viện sau 22 ngày. Trước đó, nam thanh niên này đã đi xe máy từ Hà Nội về Phú Thọ giữa trưa nắng trong hơn 2 giờ liên tục (từ 12h - 14h). Đây chính là nguyên nhân gây sốc nhiệt mức độ nặng.

Trước đó không lâu, khi thời tiết miền Bắc nắng nóng lên trên 40 độ C, một người đàn ông 56 tuổi ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có tiền sử khỏe mạnh đã bị sốc nhiệt và tử vong. Trước khi tử vong người đàn ông này làm việc ở môi trường nắng nóng ngoài đường. Khi đang làm việc thì bị co giật và được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân tử vong ngoại viện; đo thân nhiệt cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ do sốc nhiệt.

Chú ý các biểu hiện sốc nhiệt

Về tình trạng sốc nhiệt, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) cho biết, khi sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể con người không còn ở mức bình thường là 36 - 37 độ C mà sẽ tăng dần lên 38 - 39 độ C, nhiệt độ cơ thể sẽ đạt mức trên 40 độ C. Biểu hiện khi đó da đỏ lên, khô lại vì không còn nước để toát mồ hôi hạ nhiệt cơ thể. Người sốc nhiệt sẽ có triệu chứng lơ mơ, có khi rơi vào hôn mê, rối loạn hô hấp, trụy tim mạch. Hô hấp, tim mạch và thần kinh là 3 cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi nhiệt độ tăng liên tục dẫn đến sản sinh nhiều các chất độc trong cơ thể. Từ đó gây ra suy thận cấp, suy gan, suy đa tạng và nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Còn theo TS.BS Phạm Đăng Hải - Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội và chống độc (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) thì say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát. Tình trạng say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).

Trên thực tế, có thể phân biệt sự khác nhau giữa say nắng và say nóng. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40 độ C.

Ngược lại, say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong. Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, khi làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém. Còn say nắng thường xuất hiện khi làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém, thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng gay gắt có nhiều tia tử ngoại.

Sốc nhiệt (heat stroke) có thể được chia thành hai loại gồm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Nguyên nhân sốc nhiệt đầu tiên là do trung tâm điều hòa thân nhiệt nằm trong não, sau gáy của cơ thể bị rối loạn dẫn đến không điều hòa được thân nhiệt. Nghĩa là nhiệt độ cơ thể tăng lên đột ngột không thể kiểm soát được.

Thông thường, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên, cơ thể con người vẫn giữ được mức nhiệt ổn định nhờ trung tâm điều hòa thân nhiệt phát tín hiệu đến các tuyến mồ hôi, từ đó xảy ra tình trạng toát mồ hôi. Điều này khiến cơ thể mất nước, mất điện giải nhưng lại giúp hạ nhiệt cơ thể.

Ngoài ra cơ thể cũng rơi vào tình trạng sốc nhiệt khi bị mất nước nhưng không bổ sung kịp thời dẫn đến tình trạng cơ thể không có nước để toát mồ hôi, hạ nhiệt cho cơ thể.

Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; Rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong những ngày tới nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn có nắng nóng gay gắt, nền nhiệt phổ biến trên 38 độ C.

Do đó để tránh say nắng hay tránh bị sốc nhiệt, đối với những người lao động ngoài trời phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều cần bù nước, bù điện giải để điều hòa thân nhiệt cũng như ăn uống đầy đủ. Ưu tiên bổ sung tinh bột bởi tinh bột tạo ra năng lượng nhanh và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, để phòng tránh sốc nhiệt mọi người cần mặc quần áo sáng màu che chắn được nắng nóng nhưng vẫn thoáng mát, che chắn kỹ vùng sau gáy, tránh đi ra ngoài lúc 10h - 15h hàng ngày bởi đây là thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Nếu đi đoạn đường dài dưới nắng nóng nên phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý chứ không đi liên tục.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-nong-cao-diem-de-phong-soc-nhiet-10283432.html