Nắng nóng, đề phòng bệnh dại gia tăng

Năm 2024, cả nước ghi nhận 84 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng tại Long An, từ năm 2019 đến tháng 3/2025, 12 trường hợp đã tử vong do bệnh dại trên người. Đáng báo động, hiện nay, số ca mắc bệnh dại có nguy cơ tăng nên công tác phòng ngừa được đẩy mạnh thực hiện.

Tuyên truyền cho người dân về tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Tuyên truyền cho người dân về tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Sự cố xảy ra cách đây hơn 3 tháng nhưng chị Trần Thị Dạ Thảo (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) vẫn ám ảnh, sợ hãi khi nhắc lại chuyện bị mèo cắn. Chị Thảo kể: “Con mèo của nhà hàng xóm chạy vào nhà, tôi định đuổi thì nó nhảy lên mình tôi, vừa quào, vừa cắn, máu chảy khá nhiều bởi đến 8 vết thương. Chồng chở tôi đến trạm y tế xã sơ cứu, sau đó chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Thạnh. Thấy vết thương nghiêm trọng, bác sĩ đề nghị chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười tiêm huyết thanh”.

Vết thương sâu, trúng các động mạch, chị Thảo đau nhức suốt mấy ngày, phải sử dụng thuốc giảm đau liên tục. Hiện nay, các vết thương do mèo cắn còn để lại sẹo trên tay.

Bà T. (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) bị chó cắn khi đến nhà người quen thăm bệnh. Bà T. nói: “Khi mở cổng đi vào nhà, bất ngờ một con chó nhảy ra cắn vào tay tôi. Sợ quá, tôi lập tức đi tiêm ngừa để phòng bệnh dại”.

Theo bác sĩ Phan Kim Phiến - Trung tâm tiêm chủng VNVC Tân An, hiện nay chưa có vắc-xin điều trị bệnh dại mà chỉ có vắc-xin phòng bệnh dại là tiêm huyết thanh. Vắc-xin này sẽ tạo ra kháng thể, giúp cơ thể chống lại virút dại làm cho người bị vật nuôi cắn giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Phác đồ điều trị bệnh dại tùy theo từng người, từng vị trí cắn.

Với người chưa từng tiêm vắc-xin phòng bệnh dại lần nào thì tiêm 5 mũi vào các ngày: 0, 3, 7, 14 và 28. Với những vết cắn gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay, ngón chân hoặc cơ quan sinh dục thì bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm huyết thanh kháng dại, huyết thanh phòng uốn ván và vắc-xin phòng dại.

Trước sự nguy hiểm của bệnh dại, hơn nữa đang vào mùa nắng nóng, bệnh dại có nguy cơ gia tăng nên tỉnh chủ động triển khai công tác phòng ngừa. Song song đó, các địa phương cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh dại, từ đó tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã có kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo. Thế nhưng, đến ngày 25/3/2025, toàn tỉnh chỉ tiêm được 61.777 liều vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo, đạt 72,8% kế hoạch tiêm phòng đợt chính và 61,9% kế hoạch năm 2025. Với tỷ lệ này, nguy cơ bệnh dại sẽ gia tăng bởi chỉ khi tỷ lệ tiêm đạt hơn 80% thì công tác bảo hộ đàn chó, mèo mới đạt độ an toàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, khó khăn nhất của ngành Chăn nuôi hiện nay là thống kê tổng đàn chó, mèo. Nếu không thống kê đầy đủ, ngành sẽ không phân bổ đúng lượng vắc-xin cho các địa phương. Mặt khác, đa số người dân cho rằng chó, mèo nhà nuôi không cắn người nên lơ là tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi.

“Để phòng ngừa bệnh dại, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân; tiếp tục có văn bản chỉ đạo các địa phương thống kê chính xác đàn chó, mèo và công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đặc biệt, toàn xã hội cần cộng đồng trách nhiệm. Người nuôi ngoài tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi thì cần đeo rọ mõm cho chó để hạn chế xảy ra sự cố cắn người. Kết hợp các biện pháp này sẽ giảm số vật nuôi mắc bệnh dại, từ đó giảm số người tử vong do bệnh dại” - bà Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-nong-de-phong-benh-dai-gia-tang-a193520.html