Nắng nóng gay gắt tại các tỉnh Bắc Bộ và miền trung
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, nắng nóng gay gắt tiếp tục trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, với nhiệt độ phổ biến từ 36 đến 39°C, một số nơi hơn 39°C như: Hòa Bình 39,3°C, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 39,5°C, Hà Đông (Hà Nội) 40,3°C...
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, nắng nóng gay gắt tiếp tục trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, với nhiệt độ phổ biến từ 36 đến 39°C, một số nơi hơn 39°C như: Hòa Bình 39,3°C, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 39,5°C, Hà Đông (Hà Nội) 40,3°C...
Dự báo, từ ngày 3 đến 5-6, do tác động của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh cho nên nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên, với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37 đến 40°C, có nơi hơn 41°C.
* Tại tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa dông kèm sét làm một người chết ở xóm Hông, xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc khi đang đi làm đồng và cháy hoàn toàn một nhà tại xóm Chạo, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Hiện chính quyền địa phương đang chỉ đạo lực lượng khắc phục hậu quả, mai táng người bị nạn.
* Trên địa bàn huyện Đức Cơ và huyện Chư Sê (Gia Lai) mấy ngày qua đã xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy, làm một người chết, bốn người bị thương ở huyện Chư Sê, tốc mái sáu nhà tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) địa phương đã huy động lực lượng, tổ chức cứu nạn và khắc phục hậu quả.
* Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ba vụ sạt lở ven sông tại xã Hàng Vịnh, xã Hiệp Tùng, thị trấn Năm Căn, với tổng chiều dài 104 m, chiều rộng 6 đến 15 m làm hư hại nhà và tài sản của 18 hộ dân. Tại huyện Đầm Dơi xảy ra năm vụ sạt lở ven sông tại các xã Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Thanh Tùng, Tân Tiến với tổng chiều dài 113 m, chiều rộng 5 đến 29,7 m làm hư hại nhà và tài sản của 10 hộ dân. Tổng thiệt hại ước tính 1,37 tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở, vận động, hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
* Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Krông Ana (Đác Lắc) đang tiến hành kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại do lốc xoáy gây ra trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trước đó, vào ngày 31-5, tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm tốc mái hơn 30 nhà dân và lò gạch; làm đổ gãy ba trụ điện, nhiều bảng hiệu, cây xanh,…Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp người dân lợp lại nhà cửa, khắc phục thiệt hại.
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, do nắng hạn và xâm nhập mặn, vụ lúa mùa 2016 - 2017, tỉnh gieo trồng 47.432 ha nhưng có khoảng 10.353 ha ở các huyện vùng U Minh Thượng bị mất trắng. Cùng với đó, dịch bệnh phát triển gây hại, nhất là trên trà lúa đông xuân gieo sạ muộn, muỗi hành xuất hiện tấn công hàng chục nghìn ha, làm giảm năng suất lúa, có những trà lúa năng suất giảm 30 đến 50%, có nơi nông dân không thu hoạch, mất trắng sản lượng lúa.
* Mưa lớn trong thời gian vừa qua đã làm diêm dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) gần như trắng tay. Dù ba ngày gần đây, trời đã nắng nhưng nước chưa rút; nhiều nơi ruộng muối ngập từ 10 cm trở lên. Vùng sản xuất muối ở Sông Cầu rộng hơn 183 ha, tập trung tại xã Xuân Phương, xã Xuân Bình và phường Xuân Phú với hơn một nghìn hộ sống bằng nghề này. Nếu thời tiết nắng nóng, mỗi ngày có thể sản xuất 100 đến 120 tấn muối. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay mưa thường xảy ra, gần như diêm dân chưa thu hoạch được.