Nắng nóng kéo dài, Bắc miền Trung khô khát
Những ngày qua, nắng nóng như trút lửa xuống nhiều tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), nắng nóng rất gay gắt. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, nắng nóng vẫn sẽ tiếp tục hoành hành tại khu vực này, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Chiều 24/6, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, nắng hạn kéo dài đã gây nên tình trạng thiếu nước tưới lúa tại huyện Đông Sơn và huyện Tĩnh Gia. Tính đến ngày 19/6 có tới 586 ha lúa bị thiếu nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa. Đến nay, diện tích lúa bị hạn vẫn còn 360 ha. Đáng chú ý, vẫn theo nhận định của Sở NNPTNT Thanh Hóa, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích thiếu nước sẽ tăng lên tới hơn 7.840ha, tập trung ở vùng cuối kênh hệ thống tưới Bái Thượng, hồ đập lớn với khoảng 1.000 ha; vùng tưới Bắc sông Chu, Nam sông Mã tưới thay thế cho trạm bơm Nam sông Mã; vùng tưới Nam sông Mã với khoảng 5.000 ha; vùng tưới bằng trạm bơm điện, đồng bằng ven biển khoảng 3.340 ha; vùng tưới bằng hồ đập nhỏ khoảng 3.000 ha.
Tại xã Anh Sơn và xã Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia) hiện có tới gần 200ha lúa bị thiếu nước, hầu hết diện tích này đều lấy từ hồ đập nhỏ đang ở vào tình trạng cạn kiệt, dưới mực nước chết. Đây là đợt hạn hán kéo dài nhất trong vòng 5 năm qua. Tương tự, trên sông Mã, đoạn chảy qua địa bàn huyện Cẩm Thủy, mực nước đã kiệt, gây khó khăn cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy), người dân đang rất cần nước để cấy và dưỡng lúa nhưng vì mực nước sông Mã cạn kiệt nên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Ngọc cũng chỉ thực hiện việc bơm nước từ trạm bơm làng từ 22h đêm đến 6h sáng ngày hôm sau. Ông Phạm Xuân Thủy - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Ngọc cho biết, hiện HTX đang thay toàn bộ máy mới, đưa đường ống nối dài ra giữa sông Mã mới hút được nước.
Tại Nghệ An, nắng nóng kéo dài đã gây nên tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng. Nhiều sông ngòi, hồ đập cạn trơ đáy.
Điển hình như tại huyện Đô Lương, đã hơn 1 tháng nay không có mưa, nắng nóng gay gắt. 13 xã của huyện bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra với tổng diện tích 560 ha lúa hè thu. Các xã Mỹ Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn, Đại Sơn… việc chống hạn rất khó khăn. Còn tại huyện Hưng Nguyên, nắng nóng kéo dài đã làm cho gần 1.000 ha lúa xã Hưng Tây, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc và một số diện tích của xã Hưng Đạo, Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên có nguy cơ chết cháy. Nguồn nước trên toàn bộ hệ thống kênh Cầu Mượu, đê Kênh Thấp, sông Hoàng Cần, kênh Gai thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên đều cạn kiệt, hầu hết các trạm bơm phải ngừng hoạt động. Tại các huyện như Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông… nắng nóng khốc liệt liên tục trong những ngày qua làm cho gần 800 ha chè bị cháy sém, một số diện tích cháy rụi.
Theo thống kê, huyện Thanh Chương đã có gần 500 ha chè bị cháy sém lá, nằm rải rác ở tất cả các xã vùng chè của huyện. Hay như tại huyện Anh Sơn đã có 211 ha chè bị cháy sém lá. Tại huyện Con Cuông, đến ngày 22/6 đã có 138 ha/356 ha chè của huyện bị cháy lá, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Hầu hết hệ thống giếng khoan để tưới cho chè đều đã cạn nước từ 20 ngày nay.
Với Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài cùng với từng đợt gió Lào quét qua khiến người dân Hà Tĩnh như bị thiêu đốt. Theo người dân, chưa bao giờ họ phải trải qua một mùa hè khắc nghiệt như năm nay. Hàng loạt hệ lụy từ khô hạn đang khiến người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là nông dân, hết sức lo lắng. Trong cái nóng thiêu đốt, người trồng ngô ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) ngao ngán mỗi khi ra ruộng, toàn bộ cây ngô của người dân nơi đây đã chuyển qua màu vàng từ gốc đến tận ngọn, không còn cách cứu vãn. “Gia đình tôi có 5 sào ngô trồng được hơn 3 tháng. Nhưng cả tháng nay, trời không có mưa nên đất bị khô hạn, khiến cây không thể phát triển. Đặc biệt, hầu hết diện tích trồng ngô đều cháy khô, bắp bị lép hết. Vốn bỏ ra rất nhiều nhưng bây giờ coi như mất trắng”- bà Hoàng Thị Hường (60 tuổi, thôn 1, xã Hương Thủy) trải lòng.
Xã Hương Thủy có 9 hồ đập thì hiện nay chỉ còn 3 hồ có nước, phục vụ đủ cho 50 ha/250 ha lúa vụ hè thu. Trong khi đó, cây ăn quả với diện tích 300 ha là cây trồng chủ lực của xã đang rơi vào tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng, nguy cơ bị mất mùa rất cao.
Không chỉ ngô, lạc, lúa bị héo úa, cháy sém, ruộng đồng nứt nẻ mà cây ăn quả của người dân vùng sơn cước Hương Khê cũng bị héo lá, giảm năng suất thấy rõ. Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX cam khe mây Long Nhâm (xã Hương Đô, Hương Khê) thở dài: “68ha cam năm nay rất sai quả, kỳ vọng sẽ cho vụ mùa bội thu, nhưng nắng hạn hơn một tháng qua đã gây thiệt hại khoảng 40 - 45% năng suất của vườn cây”.
Cây trồng thiếu nước tưới, người dân cũng không có nước để sinh hoạt. Tại thôn 2, xã Hương Thủy, hàng loạt giếng đào, giếng khoan của người dân cạn trơ đáy. Thôn chỉ còn 5 giếng khoan có nước, phục vụ nước uống cho cả 186 hộ dân trong thôn. Nước rửa, giặt giũ thì người dân phải gồng gánh từ sông, hồ về dùng. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, trong số 1.000ha lúa hè thu này, có khoảng 500ha không hề có giọt nước nào để tưới, trong đó có khoảng 300ha khô nứt nẻ…
Thời tiết nắng nóng ở Quảng Bình cũng đã khiến nhiều ao hồ cạn trơ đáy, nhiều diện tích cây trồng vụ hè thu đang khô héo… Chỉ tính riêng tại huyện Quảng Trạch đã có hơn 300 ha diện tích trồng lúa thiếu nước tưới. Trên những cánh đồng, quang cảnh ruộng khô nứt nẻ, cây lúa sém vàng.
Nhìn ruộng lúa của mình đang héo khô vì thiếu nước nước tưới, bà Trần Thị Hồng ở xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) xót xa nói: “Nhà có 5 sào ruộng thì chỉ làm được một vụ vì thiếu nước. Có gần 2 sào chuyển qua trồng dưa thì hạn quá chết khô hết. Tiền công cán, tiền giống cũng mất gần 3-4 triệu đồng rồi”.
Không chỉ ở huyện Quảng Trạch, nhiều diện tích lúa ở các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) cũng bị hạn hán nặng nề.
Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, do nắng nóng kéo dài, không có mưa nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hơn 1.000ha lúa gặp nguy cơ hạn, không có nước để dặm tỉa.
Nắng hạn cũng đã khiến nhiều thôn, xóm ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thiếu nước sinh hoạt. Thôn Tam Đa (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) nơi có gần 460 hộ dân, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu dùng nước giếng. Thời tiết nắng nóng, toàn bộ giếng nước của bà con đều cạn kiệt. Giữa trưa, ông Nguyễn Chiến (thôn Tam Đa) vẫn kiên trì đi lấy nước ở giếng nước đầu làng. Nhìn giếng cạn trông thấy đáy, ông Chiến rất lo lắng ít hôm nữa giếng cạn, người dân trong thôn phải đi mua nước sinh hoạt với giá rất đắt. Lúc ấy, khó khăn lại càng khó khăn hơn…
Yêu cầu thủy điện xả nước
Đó là công điện của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các nhà máy thủy điện như Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT thống nhất kế hoạch xả nước nhằm chống hạn cho vụ hè thu 2019. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện nói trên phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du.
Ông Nguyễn Trường Thành- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Do thời tiết nắng hạn thất thường, toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.200ha lúa một tháng tuổi đang thiếu nước trầm trọng. Nếu nắng nóng, khô hạn kéo dài, số diện tích này có nguy cơ bị chết cháy. Ngoài ra, hơn 4.000 ha lúa đã gieo cấy cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện mực nước sông Lam đang xuống thấp khiến nhiều tuyến dẫn chính và kênh dẫn không có nguồn nước tưới. Mực nước các hồ đập trên toàn tỉnh cũng giảm rất nhanh, bình quân chỉ đạt 30-50% dung tích thiết kế.