Nắng nóng làm thay đổi các sự kiện lớn toàn cầu
Cái chết của ít nhất 1.300 người trong cuộc hành hương tại thánh địa Mecca cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với con người trong những sự kiện tụ tập lớn.
Tại các sự kiện hoành tráng trên toàn thế giới, cảnh tượng căng thẳng vì nhiệt độ cao ngày càng trở nên quen thuộc. Những người đàn ông lớn tuổi, với chiếc áo sơ mi không cài cúc, nằm xuống với đôi mắt nhắm nghiền. Những chiếc lều cứu trợ chật cứng những người đã chìm vào vô thức.
Và những hàng người trung thành - dù họ tìm kiếm tôn giáo, âm nhạc, bỏ phiếu hay cổ vũ thể thao - đều đang đổ mồ hôi dưới những mảng bóng râm.
Hậu quả của nắng nóng thật thảm khốc. Trong cuộc hành hương Hajj (cuộc hành hương lớn về thánh địa Mecca, Saudi Arabia) năm nay, ít nhất 1.300 người đã tử vong khi nhiệt độ ngoài trời có lúc chạm mốc 48 độ C hoặc hơn.
Số người chết khổng lồ đó chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thiếu kiểm soát đám đông và nắng nóng do biến đổi khí hậu đang trên đà chạm đến nguy hiểm.
Sát thủ thầm lặng
Trong cuộc bầu cử gần đây của Ấn Độ, hàng chục nhân viên bỏ phiếu đã tử vong khi làm việc. Mùa hè năm ngoái, các đội Hướng đạo sinh đến thăm Hàn Quốc để dự lễ kỷ niệm đã đổ bệnh vì cái nóng, nhiều người khác tại các lễ hội âm nhạc ở Australia, Châu Âu và Bắc Mỹ cũng vậy.
Ngay cả khi nắng nóng đang giết chết nhiều người hơn bất kỳ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nào khác, vẫn còn một sự ứng xử chậm trễ về mặt văn hóa. Nhiều nhà tổ chức và người tham dự sự kiện lớn chưa quen với đường cong nhiệt độ, không thể đối mặt với việc hành tinh nóng lên đã làm tăng độ nguy hiểm đối với đám đông mùa hè như thế nào.
"Khi mùa hè kéo dài hơn, những đợt nắng nóng đến sớm hơn, chúng ta phải thích nghi", Benjamin Zaitchik, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu các sự kiện khí hậu gây hại cho sức khỏe, cho biết.
Ông nói thêm rằng bên cạnh điều chỉnh hành vi cá nhân, cơ sở hạ tầng, quản lý tình trạng khẩn cấp và lịch xã hội cũng phải "thực sự thừa nhận thực tế mới này".
Một số biện pháp đơn giản để ngăn ngừa sốc nhiệt, bệnh tật và tử vong vì nắng nóng là tạo bóng râm, trạm nước, vỉa hè được sơn trắng để phản xạ nhiệt tốt hơn và các dịch vụ y tế khẩn cấp để điều trị các trường hợp say nắng nghiêm trọng.
Một số nơi đặc biệt có nhiệt độ cao, như Singapore, đã xây dựng không gian công cộng kết hợp ngoài trời với trong nhà để tránh nắng. Họ lắp thêm điều hòa không khí vào những khu vực mà mọi người có thể phải dành thời gian chờ đợi, chẳng hạn trạm xe buýt.
Một biện pháp quan trọng khác là giáo dục mọi người về các nguy cơ sức khỏe lên quan đến nhiệt độ cao, gồm cả những người đã quen sống ở những nơi nắng nóng.
Thông thường, họ không biết về các triệu chứng ban đầu của tình trạng say nắng hay sốc nhiệt, vấn đề này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tình trạng sức khỏe từ trước, như bệnh thận hoặc tăng huyết áp. Nhiều người không biết các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng cholinergic, điều trị dị ứng hoặc hen suyễn có thể khiến người bệnh tiết ít mồ hôi hơn bình thường, nhiệt độ cơ thể tăng cao và gây ra tình trạng dễ say nắng.
"Cái nóng là một sát thủ rất phức tạp và lén lút. Nó là sát thủ thầm lặng", Tarik Benmarhnia, một nhà dịch tễ học môi trường và là phó giáo sư tại Đại học California, San Diego cho biết.
Nhận thức chưa đuổi kịp sóng nhiệt
Một cuộc hành hương tôn giáo có thể là sự kiện khó khăn nhất trong tất cả sự kiện giữa thời tiết nắng nóng. Những người sùng đạo của nhiều tín ngưỡng - Kitô hữu ở Philippines, Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, Hồi giáo ở Saudi Arabia - đã chết vì say nắng trong vài năm qua khi thực hành các nghi lễ tôn giáo.
Nhưng có lẽ cuộc hành hương ở Mecca đã chạm đến mức độ nguy hiểm nghiêm trọng nhất.
Toàn bộ Bán đảo Ả Rập nóng lên nhanh chóng, nhiệt độ ban đêm cũng tăng cao, không còn thời gian để cơ thể hạ nhiệt. Hajj diễn ra trong 5 hoặc 6 ngày, làm trầm trọng thêm vấn đề tiếp xúc với nhiệt độ cao ở thánh địa linh thiêng Mecca.
Lịch hành hương Hajj cũng được thiết lập theo chu kỳ âm lịch, vì vậy thời gian dự kiến cho chuyến đi có thể là thời điểm nóng nhất, như trường hợp của năm nay. Và vì những người hành hương chủ yếu lớn tuổi, nên họ dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng hơn.
Tiến sĩ Benmarhnia rùng mình khi nghe tin về những ca tử vong trong lễ hành hương năm nay. "Tôi nghĩ chuyện này có thể xảy ra với bà tôi", ông nói trong cuộc trò chuyện với The New York Times.
Benmarhnia đã trả tiền cho chuyến hành hương của bà vào năm 2019. Bà đã 75 tuổi, nhưng may mắn bà đã thực hiện chuyến đi trong thời gian mát mẻ vào tháng 4.
Với số người chết trong năm nay, Benmarhnia đề xuất rằng các chuyên gia sử dụng tư liệu về những gì đã xảy ra để nhanh chóng đưa ra chiến lược thích ứng cho các nhà chức trách tôn giáo.
Bộ Y tế Saudi đã đưa ra các chiến dịch giáo dục, kêu gọi mọi người giữ đủ nước và sử dụng ô che. Các quan chức cũng thành lập các bệnh viện dã chiến và trạm cấp nước, đồng thời triển khai đội ngũ hàng nghìn nhân viên y tế hỗ trợ.
Nhưng tất cả vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người, trong đó có cả những người đã lách luật để hành hương chui vì không có được "thị thực Hajj" - loại giấy phép được phân phối tới từng quốc gia nhằm kiểm soát quy mô đám đông. Saudi Arabia đã phải đối mặt sự chỉ trích vì số người chết do không kiểm soát được đoàn người hành hương.
Cuộc bầu cử tại Ấn Độ năm nay đã chứng minh rằng ngay cả ở những nơi mà người dân cho rằng họ đã quen với thời tiết nóng bức, vẫn cần nâng cao nhận thức hơn nữa về mối nguy hiểm của thời tiết nóng khắc nghiệt.
Tại bang Bihar của Ấn Độ, ít nhất 14 người đã tử vong vào cuối tháng 5, và ít nhất 10 người trong số họ là nhân viên bỏ phiếu, theo các viên chức cứu trợ thiên tai của tiểu bang. Vào một thời điểm trong tháng 6, gần 100 người đã tử vong trong vòng 72 giờ ở Odisha có liên quan đến nhiệt độ cao.
Các viên chức y tế tại Ấn Độ đã phải lên kế hoạch ứng phó. Bên trong các khu vực tiếp nhận nạn nhân say nắng tại các bệnh viện ở Delhi, bệnh nhân ngay lập tức được ngâm trong bồn ngâm chứa đầy nước đá để hạ nhiệt độ. Trong một khoa được trang bị tủ lạnh làm đá, hộp đựng đá và máy thở, bệnh nhân nguy kịch ngay lập tức được đặt trên các phiến đá và tiêm chất lỏng lạnh.
Nhưng ở nhiều khu vực, đợt nắng nóng và hoạt động bỏ phiếu đạt đỉnh vào cùng thời điểm - bao gồm cả quận Aurangabad thuộc bang Bihar, nơi có khoảng 3 triệu người sinh sống, có nhiệt độ lên tới mức kỷ lục 48 độ C vào cuối tháng 5.
Ravi Bhushan Srivastava, giám đốc Y khoa tại một bệnh viện công, đang trên đường đi đánh giá các báo cáo khám nghiệm tử thi vào một ngày đặc biệt tồi tệ, khi có 60 bệnh nhân được đưa vào viện vì say nắng.
"Ít nhất 35-40 người rơi vào tình trạng tồi tệ. Họ hoặc là bất tỉnh, hoặc mất ý thức, cơ thể rất nóng và khó thở", ông nói.
Ông nói thêm: "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thấy nhiều bệnh nhân có triệu chứng say nắng và ở mức độ nghiêm trọng như vậy".
Những đám đông tham gia các cuộc mít tinh bầu cử có thể đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhưng cũng có rất nhiều giải pháp khả thi.
Aditya Valiathan Pillai, chuyên gia thích ứng của Sustainable Futures Collaborative, một tổ chức nghiên cứu tại Delhi, cho biết những người tham dự sẽ có thể nhìn thấy nhiệt độ địa phương của họ theo thời gian thực, với các mức độ rủi ro được mã hóa màu. Có thể thiết lập các trạm nước, khu vực che nắng và làm mát. Cuối cùng, các cơ quan công cộng nên có cảnh báo sớm về nhiệt độ.
"Hiện nay, chúng tôi có dự báo khá chính xác về đợt nắng nóng trong năm ngày, do đó việc nâng cao nhận thức trước như thế này là khả thi", ông Pillai nói.
Nắng nóng sắp thay đổi mọi thứ
Các sự kiện thể thao đã có biện pháp thích ứng với những nguy hiểm của nắng nóng ngày càng tăng. Các khung giờ nghỉ giải lao uống nước cho cầu thủ đã được đưa vào World Cup 2014 tại Brazil, khi sự kết hợp của nhiệt độ, độ ẩm và ánh nắng mặt trời dẫn đến mức nhiệt trên 30 độ C. Các quan chức đã chuyển World Cup 2022 tại Qatar từ những tháng mùa hè sang tháng 11 và 12, khi thời tiết mát mẻ hơn.
Thế vận hội Olympic Paris năm nay dường như đang tìm kiếm giải pháp cân bằng. Một số sự kiện, như marathon, sẽ bắt đầu sớm hơn trong ngày và các trạm nước được cho là được thiết lập sẵn.
Madeleine Orr, giáo sư tại Đại học Toronto và là tác giả của cuốn sách "Warming Up: How Climate Change Is Changing Sport" (Nóng lên: Biến đổi khí hậu đang thay đổi thể thao như thế nào), cho biết: "Những sự kiện lớn như Thế vận hội và Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA có nghĩa vụ chăm sóc tất cả những người tham dự".
"Tôi đang nói về thời gian nghỉ để bù nước và làm mát, cơ hội cho các vận động viên và quan chức sử dụng khăn làm mát và quạt phun sương, cũng như đội ngũ nhân viên y tế túc trực để hỗ trợ trong trường hợp ai đó cần được chăm sóc thêm", bà nói.
Hiện tại, như vậy có thể là đủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng có thể cần phải có những thay đổi triệt để hơn. Thế vận hội mùa hè có thể phải trở thành Thế vận hội mùa thu. Tương tự, các cuộc bầu cử ở Ấn Độ hay các giải quần vợt quốc tế có thể được đẩy sang những tháng mát mẻ hơn. Kỳ nghỉ hè có thể được lên lịch lại tùy theo thời tiết. Các công việc mùa hè như sơn nhà có thể trở thành công việc mùa xuân.
David Bowman, một nhà khoa học về khí hậu ở Tasmania, cho biết mọi người đã bắt đầu thích nghi theo những cách nhỏ. Ô đang trở thành phụ kiện thời trang để che nắng, quần short được chấp nhận rộng rãi hơn tại nơi làm việc và công nhân đường bộ làm việc nhiều hơn vào buổi đêm.
Biến đổi khí hậu có thể khiến các sự kiện lớn phải thay đổi nhiều hơn nữa.
"Tất cả thảm họa khí hậu như một dấu hiệu để thay đổi văn hóa. Có thể chúng ta sẽ ngoan cố làm mọi thứ bình thường bất chấp khí hậu đang thay đổi, nhưng cuối cùng khí hậu sẽ chiến thắng", Bowman nói.