Nắng nóng, mía trắng ép nước vẫn khó tiêu thụ, giá rẻ
Dù thời tiết nắng nóng, nhưng việc tiêu thụ cây mía trắng ép nước vẫn khá ì ạch, trong khi đó, giá bán lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Những ngày sau cách ly xã hội, thời tiết nắng nóng gay gắt, các dịch vụ giải khát, giải nhiệt mùa hè bắt đầu nóng lên. Thế nhưng, nếu ở thời điểm này năm ngoái, việc mua bán cây mía trắng ép nước đã diễn ra sôi động, thì năm nay, người trồng mía vẫn mỏi mắt chờ tư thương đến hỏi mua. Không khí mua bán mía ở chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong) nhộn nhịp trong 2 - 3 ngày đầu thời tiết mới nắng nóng. Còn hiện nay, chợ vẫn khá đông người dân bày mía bán, nhưng lại vắng vẻ tư thương đến thu mua. Suốt hơn một tuần qua, bà Bùi Thị Xuyến, xóm Bảm, xã Tây Phong cùng nhiều hộ trồng mía ở các xã lân cận chặt mía chở ra chợ Bảm chào bán, vậy nhưng, chỉ tiêu thụ được trong 2 hôm đầu. Bà Xuyến ngao ngán cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 3.000 m2 mía trắng ép nước, thời điểm này năm ngoái đã bán hết mía, tư thương đến thu mua tận vườn với giá 5.000 đồng/cây. Còn năm nay, giá bán chỉ 3.000 – 4.000 đồng/cây mà không bán được. Nắng nóng nhưng tôi vẫn mang mía ra đây để giới thiệu cho khách vào mua cả vườn.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, toàn huyện có trên 1.600 ha diện tích trồng cây mía trắng ép nước, đến nay mới tiêu thụ được khoảng 15% diện tích. Nhiều năm qua, cây mía trắng ép nước là một trong những cây trồng chủ lực, được trồng rộng khắp các xã, thị trấn của huyện. Trong đó, mía của xã Thạch Yên nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, bán được giá cao hơn so với các vùng khác.
Ngược lên xã vùng cao Thạch Yên trong những ngày nắng nóng gay gắt, hai bên đường vẫn bạt ngàn mía. Đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Nhiều năm nay, mía trắng ép nước là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Hiện, cả xã có 256 ha mía, đến nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 10 ha. Thời điểm này năm ngoái, đã có trên 50% diện tích mía được tiêu thụ, giá bán từ 5.000 – 7.000 đồng/cây. "So với những năm trước, chất lượng cây mía của xã khá đồng đều. Mía có màu sắc đẹp, không nứt nẻ, không bị thối. Tuy nhiên, giá thu mua của tư thương năm nay thấp hơn mọi năm, mà lại khó bán, nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con”- đồng chí Phó Chủ tịch xã chia sẻ.
Cách trung tâm xã Thạch Yên hơn 1 km là vùng trồng mía rộng lớn của xóm Đai. Ngoài diện tích đất vườn, đất đồi, bà con xóm Đai đã chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng mía trắng ép nước. Chờ đợi và hy vọng sớm bán được mía sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng, đã hết cách ly xã hội, nắng nóng cũng đã gay gắt, mà mía chưa tiêu thụ được. Bà Bùi Thị Ẹm cũng như nhiều hộ dân khác ở xóm Đai khá buồn bã: "Gia đình tôi duy trì trồng mía trắng ép nước 4 năm qua, với diện tích gần 1 ha. Mọi năm, đến khoảng 30/4 là gia đình đã bán hết mía rồi. Còn năm nay mới chỉ bán được 1/3 diện tích, giá bán từ 4.000 – 5.000 đồng/cây, thấp hơn so với năm ngoái. Thu nhập của gia đình trông chờ vào cây mía mà chưa bán được, nên cũng gặp nhiều khó khăn. Việc tiêu thụ chậm như hiện nay cũng gây ảnh hưởng đến vụ mía sang năm”.
Ngoài địa bàn huyện Cao Phong, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng phát triển trồng mía trắng ép nước. Nắng nóng gay gắt nhưng mía vẫn không bán được, trong khi thiên tai lại liên tục xảy ra, người trồng mía đã vất vả nay càng cơ cực hơn. Thực trạng này, bà con rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong kết nối đầu ra, để tiêu thụ cây mía trắng ép nước.