Nắng nóng ở Đức làm đường cao tốc chảy nhão, đường sắt cong vênh
Cái nắng thiêu đốt ở Đức đã làm bề mặt đường cao tốc bị chảy nhão, buộc giới chức địa phương phải giới hạn lại tốc độ chạy xe tối d trên tuyến Saxony-Anhalt là 120km/h.
Tại Đức, nhiệt độ đo được ở thành phố Coschen ngày 26/6 đã lên đến 38,6 độ C, phá vỡ kỷ lục của tháng 6 năm ngoái. Ngoài ra, các tuyến đường sắt gần Rostock đã bị cong vênh so với hình dạng bình thường.
Đức là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới không hạn chế tốc độ trên các đường cao tốc, trừ những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn ở mức cao. Với tổng chiều dài hơn 13.000 km, Đức là quốc gia sở hữu đường cao tốc dài thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Tây Ban Nha.
Dưới thời tiết oi bức, nhiều người dân ở Đức đã nghĩ ra cách cởi bỏ quần áo để làm mát cơ thể. Ở bang Brandenburg, cảnh sát cho biết họ cảm thấy “cạn lời” khi bắt gặp một người đàn ông khỏa thân lái xe máy. Trong khi đó tại thành phố Munich đã xảy ra tranh cãi giữa các nhân viên bảo vệ và một nhóm phụ nữ cởi trần tắm nắng nơi công cộng.
Trong khi đó, tạm quên việc thi cử, đến bể bơi tắm mát và ăn uống đầy đủ - đó chính là thông điệp mà Chính phủ Pháp khẩn cấp gửi đến người dân. Thông điệp này hiện nay mang ý nghĩa sống còn. Ở một số địa phương của Pháp, nơi nhiệt độ dự báo phá ngưỡng kỷ lục 44,1 độ C vào ngày 28/6, sẽ tiếp tục đóng cửa trường học cho đến hết tuần này. Các thành phố Paris, Lyon, Strasbourg và Marseille thì cấm ô tô cũ vào trung tâm thành phố để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Giới chức vùng Île-de-France ước tính lệnh cấm này sẽ gây ảnh hưởng đến gần 60% lượng phương tiện quanh thủ đô Pháp, trong đó có xe tải chở hàng và các ô tô hoạt động trên 10 năm, vốn phát thải khí nhiều hơn xe đời mới. Đáng lưu ý, ba người ở miền Nam nước Pháp đã tử vong vì “sốc lạnh” khi tắm biển.
Xem video người dân châu Âu khổ sở vì thời tiết nóng bức. Nguồn: CBS
Khi nền nhiệt ở Milan, Italy được dự báo lên đến 40 độ C vào cuối tuần này, các tổ chức từ thiện đã phân phát khoảng 10.000 chai nước miễn phí cho người vô gia cư. Tại Ba Lan, Bộ Nội vụ thông báo đã có tới 90 người bị đuối nước trong tháng 6 vì bơi ở sông, hồ. Tương tự tại Lithuania, khi nhiệt độ duy trì trên 35 độ C, số ca đuối nước cũng lên đến 27 trường hợp.
Các cơ quan khí tượng thủy văn ở châu Âu cảnh báo nhiệt độ có thể vượt qua 40 độ C, chạm ngưỡng 45 độ C ở nhiều khu vực vào cuối tuần này khi những luồng không khí nóng từ sa mạc Sahara tiếp tục thổi về phương Bắc.
Giới khoa học cho hay tình trạng nắng nóng kỷ lục ở châu Âu năm 2019, cũng như năm ngoái, có liên quan chặt chẽ đến vấn nạn biến đổi khí hậu. Những hình thái thời tiết cực đoan như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong các thập kỷ tới.
Trước đây, trong hai tháng 7 - 8/2003, ước tính có đến 70.000 người châu Âu bị tử vong liên quan đến nắng nóng. Khoảng 15.000 trường hợp xảy ra tại Pháp và ở Paris, các nhà xác chật cứng thi thể. Lo ngại tình trạng kinh hoàng này có thể lặp lại, giới chức thành phố Paris đã lập một đường dây điện thoại nóng để giúp đỡ người cao tuổi và bệnh nhân. Các bệnh viện và nhà dưỡng lão được đặt trong tình trạng báo động. Người cao tuổi đơn độc chiếm số đông nạn nhân tử vong trong đợt nóng kinh hoàng cách đây 16 năm.