Nắng nóng thiêu đốt lại mất điện, nông dân xót xa nhìn nghìn con gà lăn ra chết
Ngày nắng thiêu đốt, ông Dũng áo ướt đẫm mồ hôi tìm cách cứu trại gà nhưng bất lực. Nghìn con gà bị chết ngạt vì mất điện.
Giữa nắng nóng cao điểm đầu tháng 6, nhiều huyện của Hà Nội bị cắt điện. Người dân nháo nhác tìm chỗ tránh nóng.
Có một người không thể đi tránh nóng mà phải quay cuồng trong khu chuồng trại tìm cách cứu hơn 4.000 con gà khỏi chết ngạt là ông Chu Văn Dũng (SN 1962) ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất.
Trở tay không kịp
“10h sáng 1/6, khu vực trại gà nhà tôi bị mất điện. Tôi đã gọi lên người phụ trách điện của thôn để hỏi khi nào có điện, lúc đầu họ bảo 13h. Chờ đến 13h chưa thấy, tôi gọi tiếp thì họ lại bảo 14h, 15h… Tôi gọi liên tục không biết bao nhiêu cuộc, vậy mà tới tận 21h mới có điện.
Đợt nắng nóng hồi tháng 3, bị mất điện vài tiếng nhà tôi đã bị chết hơn 50 con gà. Dù tôi đã chuẩn bị mọi phương án, nhưng lần này mất điện kéo dài nhiều giờ khiến tôi trở tay không kịp. Chỉ nửa ngày, hơn 1.000 con gà sốc nhiệt cứ lăn đùng ra chết”, ông Dũng cho biết.
Trang trại nhà ông Dũng có 2 dãy chuồng, mỗi dãy rộng 700m2. Gia đình ông đầu tư nuôi hơn 4.000 con gà trống giống Mía và gà mái giống Lương Phượng để thu trứng.
"Tôi mới làm trang trại này được 2 năm. Năm ngoái chưa có kinh nghiệm, tôi thua lỗ hơn 800 triệu đồng. Năm nay đàn gà đã được 10 tháng, đang vào độ thu hoạch trứng thì gặp sự cố này. Thực sự tôi quá nản, định nuôi hết năm nay được tới đâu bán tới đó để thu hồi vốn, nhưng càng gỡ càng thấy rối, tiền vào không thấy, chỉ thấy tiền ra", ông Dũng than.
Ông Dũng mua lại hệ thống chuồng trại theo kiểu bán công nghệ. Trong mỗi dãy, ông đầu tư 7 quạt thông gió công suất lớn, giàn phun sương làm mát hơn 50 triệu đồng.
Mỗi tháng, ông phải trả 10 triệu đồng tiền điện, 10 triệu tiền lương cho 1 nhân công chăm sóc gà thường xuyên và hơn 170 triệu tiền thức ăn cho gà.
"Giống gà mẹ Lương Phượng bố Mía tỷ lệ đẻ không cao, chỉ 50-60%. Mỗi tháng tôi chi 200 triệu đồng cho đàn gà đẻ nên trứng bán ra phải 5.000đ/quả tôi mới có lãi; 3.500đ/quả thì hòa tiền cám, lỗ tiền điện và nhân công. Vậy mà giá thị trường năm nay chỉ còn 2.300đ/quả, tôi lỗ đủ đường", ông Dũng tâm sự.
Để tránh rủi do dịch bệnh, ông thuê một bác sĩ thú y làm chuyên gia tư vấn và phòng dịch. "Tính ra, mỗi con gà đẻ gánh 20-25.000đ tiền thuốc, vắc xin và công chăm sóc. Tôi xác định mất 100 triệu cho 4.000 con gà từ lúc bóc trứng tới lúc đẻ", ông Dũng nói.
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Ông Dũng chủ động đầu tư trang thiết bị phòng ngừa nắng nóng, dịch bệnh. Trong chuồng bình thường thoáng mát nhưng khi mất điện, tất cả hệ thống tê liệt sẽ khiến lũ gà chết ngạt.
Trang trại có máy phát điện nhưng chỉ cầm cự được 1-2 tiếng. Ông Dũng đi thuê máy nhưng quanh khu vực chỉ có máy sinh hoạt phát điện 2 pha nên không dùng được cho trang trại.
"Nếu biết mất điện lâu như vậy, tôi đã bỏ ra 30-40 triệu mua máy phát mới về. Tốn kém nhưng không thiệt hại nặng nề như bây giờ. Đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh hết rồi mà gà lại chết vì mất điện".
Bất chấp thời tiết nắng nóng, ông Dũng lao vào trong chuồng đang nóng như chiếc lò. Thấy con gà nào đang ngáp ngáp thiếu ôxy, ông Dũng lao tới nhấc ngay ra ngoài cho gà hồi sức. Cứu được hơn nửa đàn, ông lại đi vào nhặt gà chết ra xếp thành đống trước cửa.
"Giống gà này có mở cửa chuồng cũng không chịu ra. Nếu cắt điện, tôi lùa bắt chúng chạy ra sân thì sẽ bị giập trứng. Vì thế, tôi đành bất lực nhìn đàn gà của mình chết ngạt trong chuồng".
Khi thấy gà ngắc ngoải, ông Dũng cũng gọi các đầu mối và lên mạng nhờ mọi người giải cứu. Nhưng do mất điện và nắng nóng, ông chỉ bán được 65 con.
Mấy năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng và neo ở mức cao, người nuôi gà phải bán và chịu giá thành thua lỗ. Những người chăn nuôi nhỏ gần như kiệt sức. Có bảo hiểm nông nghiệp là điều mong mỏi lớn nhất. Và chính sách điều tiết việc cắt điện phải tính toán lợi ích của nông dân.
Ông Dũng đứt từng khúc ruột khi nhìn đàn gà chết không kịp trở tay cứu. Xác định chăn nuôi sẽ có rủi do vì dịch bệnh, vì không nắm bắt kịp thời thị trường… nhưng rủi ro vì mất điện mà thiệt hại hàng trăm triệu đồng thế này, thực sự ông không thể lường trước.
"Tôi hi vọng ngành điện xem xét lại cách làm để người dân không bị thiệt hại. Nuôi gà 2 năm gặp 2 lần 'sét đánh' như thế này, tôi không còn động lực duy trì trang trại nữa", ông Dũng thổ lộ.