Năng suất bền vững: Đòn bẩy cho ngành logistics
Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa Việt, thì dịch vụ logistics với chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại trong, ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển…
Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) - cho biết: "Logistics là xương sống của thương mại quốc tế. Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt…".
Tuy nhiên ở nước ta, mặc dù ngành logistics có tốc độ phát triển nhanh, đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm; song vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) dịch vụ với nhau và với DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam cũng còn yếu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chủ yếu ở mức độ giản đơn…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông…
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho hay, Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển ứng dụng giải pháp công nghệ trong ngành logistics; xây dựng chính sách thúc đẩy liên ngành thương mại điện tử và logistics; đồng thời có chính sách khuyến khích các DN logistics đầu tư vào công nghệ; đặc biệt cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý hoạt động dịch vụ logistics để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cũng như ứng dụng hợp đồng thông minh để thay thế thủ tục giấy tờ và rút ngắn thời gian…
Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, cần thực hiện rà soát hệ thống cầu, đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp; có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động; thực hiện quy hoạch xây dựng bãi xe container, xe tải đảm bảo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, góp phần giảm chi phí cho logistics; thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo thực chất và hiệu quả; đồng thời, thực hiện xây dựng và phát triển sàn giao dịch vận tải, tận dụng vận chuyển hai chiều, hạn chế container rỗng; các bộ, ngành phải thực hiện kết nối thủ tục hành chính qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia, tránh trường hợp vừa thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến vừa nộp hồ sơ giấy.
Tiềm năng của ngành logistics còn rất lớn; quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ so với xu hướng số hóa cũng như sự phát triển của thương mại điện tử, gia tăng mức độ chuỗi cung ứng…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-suat-ben-vung-don-bay-cho-nganh-logistics-132714.html