Nâng tầm cấp cứu ngoại viện
Ngành y tế TP HCM đang triển khai chương trình đào tạo các loại hình nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện chính quy chuyên nghiệp theo mô hình Paramedic (ở nước ngoài) với 3 cấp độ
Bà M.T.T (65 tuổi, ngụ TP HCM) có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ. Buổi sáng, người nhà phát hiện bà mê man, lay gọi không dậy nên lập tức đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ hỏi người nhà quá trình di chuyển đến bệnh viện (BV) thì mới biết bà được bế ở tư thế đầu cổ lắc lư theo nhịp chạy của người bế.
Xử trí nhanh cũng chưa đủ
Tại Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ phát hiện bà T. bị liệt tứ chi, xuất huyết não một bên, tổn thương tủy cổ. Theo BS chuyên khoa I Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược), do việc di chuyển bệnh nhân đột quỵ này không đúng cách đã làm tình trạng tổn thương nặng thêm. Điều đáng nói là những người bị đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do té ngã nhưng người thân không nhận ra để sơ cứu trước. Vì vậy, việc xử trí sau đó của các bác sĩ càng khó khăn hơn.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng-Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - BV Nhân dân 115 TP HCM, cho biết não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần đến 20%-25% lượng máu nuôi của cơ thể. Chỉ cần thiếu ôxy chưa đến 10 giây là con người đã mất ý thức và một khi não bị tổn thương thì khó hồi phục.
Thiếu kỹ năng, kiến thức khi cứu người đột quỵ là tình trạng thường gặp nhất, như: Không đánh giá được mức độ tổn thương nặng cần hồi sức tim phổi, không cố định các phần cơ thể người bệnh, bị té ngã trong khi di chuyển nạn nhân.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nhiều tình huống bất trắc, tai nạn, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Có trường hợp nặng ngừng tuần hoàn, ngừng thở cần cấp cứu ngay. Chẳng hạn, một em bé bị hóc dị vật, chặn đường thở. Phút giây này nếu không biết cách lấy dị vật khẩn cấp tại chỗ mà chờ nhân viên y tế đến e không kịp. Trường hợp bị tai nạn, chấn thương cột sống, chấn thương đa tạng, nặng hơn là tai biến, đột quỵ… nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giảm tối đa nguy cơ bệnh nặng thêm, thậm chí là tử vong trước khi đến BV.
Theo các chuyên gia, số người tử vong trước khi đến được BV rất nhiều. Sơ cứu ngoài cộng đồng, cấp cứu ban đầu càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân tạm ổn nhất có thể trước khi đưa đến BV. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch.
Ứng dụng mô hình nước ngoài vào Việt Nam
Theo các bác sĩ, tại các nước như Anh, Mỹ, Canada, Ireland, Úc... đều phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng cấp cứu kịp thời người bệnh tại hiện trường và vận chuyển an toàn đến BV. Trong đó, Úc là nước tiên phong đào tạo nguồn nhân lực từ Paramedic (chuyên nghiệp), với thời gian đào tạo từ 1.200 - 1.800 giờ. Học viên sau khi hoàn thành chương trình đều có kỹ năng cấp cứu hiện trường, gồm: ngưng tim, ngưng thở, cho bệnh nhân thở oxy; hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, phản ứng dị ứng.
Ngoài những kỹ năng cấp cứu cơ bản, Paramedic còn được đào tạo thêm kiến thức sâu hơn về giải phẫu học, sinh lý học, dược, tim mạch. Đặc biệt, đào tạo các kỹ năng cấp cứu ở cấp độ cao hơn như chỉ định sử dụng thuốc cấp cứu, truyền dịch, hỗ trợ hô hấp, nhất là khả năng hồi sức những vấn đề khó hơn như chấn thương, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch.
Nước ta có hệ thống cấp cứu 115, song số tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu còn ít. Luật Khám chữa bệnh quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện cần phải có giấy phép hành nghề. Tuy vậy, đến thời điểm này loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy (chưa có mã đào tạo), chưa được quy định về trách nhiệm, phạm vi chuyên môn cũng như mô tả công việc cụ thể. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các trung tâm cấp cứu các tỉnh, thành trên cả nước khi phát triển nguồn nhân lực, bởi hầu hết bác sĩ, điều dưỡng đều muốn được công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tại TP HCM, Sở Y tế vừa trình UBND thành phố về việc mở mã ngành đào tạo các loại hình nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp theo mô hình Paramedic. PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết rất cần thiết một lộ trình đào tạo nguồn nhân lực chính quy phù hợp này, mở mã ngành đào tạo theo mô hình Paramedic với 3 cấp độ khác nhau: Trình độ cao đẳng (thời gian 3 năm), sau kết thúc, học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu ngoại viện cơ bản như hồi sinh tim phổi cơ bản, băng bó vết thương, vận chuyển người bệnh và có thể tư vấn sử dụng một số thuốc thiết yếu. Trình độ đại học (4 năm), học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao trên người bệnh như hồi sinh tim phổi nâng cao, băng bó vết thương, đặt nội khí quản và có thể kê toa một số thuốc thiết yếu. Trình độ sau đại học (chuyên khoa, chuyên khoa sâu), học viên thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu trên người bệnh, sử dụng thành thạo các phương tiện hồi sức cấp cứu tại ngay hiện trường.
Lộ trình được chia ra làm 3 giai đoạn: Từ năm 2023 - 2024 sẽ thực hiện thủ tục cấp mã đào tạo và mã nghề nghiệp. Từ năm 2025 - 2030 sẽ triển khai đào tạo cấp cứu ngoại viện trình độ cao đẳng, đại học. Từ năm 2030 về sau đào tạo các trình độ còn lại.
Lợi thế công nghệ trong cấp cứu
Chủ đề Ngày sơ cấp cứu thế giới năm nay nhấn mạnh lợi thế của việc ứng dụng công nghệ trong sơ cấp cứu. Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, công nghệ đưa tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được kiến thức sơ cứu khẩn cấp. Cơ hội sống của người ngừng tim giảm 7%-10% mỗi phút nếu không được hồi sức (CPR) kịp thời. Trung tâm vừa triển khai CPR hướng dẫn hồi sinh tim, phổi qua điện thoại ngoài cộng đồng. Bước đầu, tỉ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng 5% so với trước, chứng tỏ giải pháp công nghệ rất hữu hiệu vào việc cứu người.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nang-tam-cap-cuu-ngoai-vien-20231030200901526.htm