Nâng tầm đối ngoại, tự tin đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Năm 2025, nhiệm vụ bao trùm đối với công tác đối ngoại của đất nước là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, trọng yếu trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó, huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần tạo đà cho đất nước tăng tốc, bứt phá, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sáng 6/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình dự hội nghị.
Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, với nhiều diễn biến mới, phức tạp. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm, lãnh đạo Nhà nước đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ta có nhu cầu và lợi ích.
“Công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong tất cả các lĩnh vực đối ngoại”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Đáng chú ý, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đóng góp quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc kỷ lục mới hơn 800 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới; đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn với các đối tác, nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn yêu cầu ngành Ngoại giao tập trung triển khai một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Nắm chắc, dự báo đúng tình hình, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, xu thế mới, nhận diện chính xác thời cơ để luôn giữ vững thế chủ động chiến lược trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình; xử lý tốt các tình huống đối ngoại phức tạp nảy sinh, đặc biệt chú trọng nghiên cứu một cách tổng thể, dài hơi và có chiều sâu về đối ngoại để chủ động tham mưu, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện đường lối, chủ trương đối ngoại; triển khai đồng bộ, nâng tầm công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương; đẩy mạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2025 Bộ Ngoại giao phải nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phân tích đúng, trúng, tham mưu chính xác không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại đối với các đối tượng - đối tác, các địa bàn; xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có sự tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học - công nghệ.
Về xuất khẩu, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để bứt phá trong điều kiện khó khăn. Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới như cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), AI, Blockchain, điện toán đám mây, y sinh học, vật liệu mới, khoa học lượng tử, năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghiệp văn hóa, giải trí trong bối cảnh mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải hoàn thành ổn định tổ chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để củng cố, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột ngoại giao là: ngoại giao Đảng, đối ngoại Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Phải xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành Ngoại giao; đồng thời củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất cả trong và ngoài nước của ngành; huy động tối đa các nguồn lực nhằm góp phần tạo đà cho đất nước tăng tốc, bứt phá, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã phát biểu, chỉ đạo các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa tục bám sát đường lối về ngoại giao của đất nước; từ đó, tập trung lồng ghép nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp nhuần nhuyễn đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại Nhân dân trong công tác đối ngoại, xây dựng hoạt động ngoại giao tỉnh Thanh Hóa toàn diện, hiện đại.
Tại Thanh Hóa, trong năm 2024, có 562 đoàn cán bộ đi nước ngoài; trong đó có 10 đoàn của lãnh đạo tỉnh. Các cơ quan trong tỉnh đã đón tiếp 197 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với các cơ quan Nhà nước. Các đoàn chủ yếu làm việc liên quan đến triển khai các nội dung, thỏa thuận hợp tác quốc tế, xúc tiến các cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán với các đối tác mới để xúc tiến việc ký kết các thỏa thuận quốc tế, góp phần quan trọng trong việc triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tổ chức các đoàn nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương trên thế giới, đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác để phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.
Trong năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Thanh Hóa đã ký 4 thỏa thuận quốc tế và dự kiến ký kết 9 thỏa thuận trong năm 2025, trên các lĩnh vực: Hợp tác quốc tế cấp địa phương, đầu tư, hợp tác lao động; thông tin truyền thông...
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15,02 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 6,3 tỷ USD, vượt 04,9% kế hoạch. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: may mặc, giầy dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng, thép, thuốc lá... có kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ. Hiện tại, toàn tỉnh có 304 doanh nghiệp xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị.