Nâng tầm đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ban hành Quyết định số 3525/QĐ-BQP, phê duyệt Đề án 'Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo' (gọi tắt là Đề án). Đề án được chia làm 3 giai đoạn: 2023-2025; 2026-2030 và sau năm 2030.

Mục tiêu của Đề án xác định: Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội có trên 75% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; 50% nhà giáo qua cương vị chỉ huy, quản lý phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng. Giảng viên các học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng và các học viện trực thuộc tổng cục, quân chủng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có trên 85% trở lên đạt trình độ sau đại học, trong đó có 25% trở lên đạt trình độ tiến sĩ. Giảng viên các trường sĩ quan, đại học trực thuộc tổng cục, quân chủng, binh chủng có 70% trở lên đạt trình độ sau đại học, trong đó 10% trở lên đạt trình độ tiến sĩ. Giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh có 25% trở lên đạt trình độ sau đại học.

 Học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 duyệt đội ngũ trong lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: QDND

Học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 duyệt đội ngũ trong lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: QDND

Cán bộ quản lý giáo dục các học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng và các học viện trực thuộc tổng cục, quân chủng, BĐBP có 45% trở lên đạt trình độ sau đại học; các trường sĩ quan, đại học trực thuộc tổng cục, quân chủng, binh chủng có 30% trở lên đạt trình độ sau đại học; các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh có trên 15% trở lên đạt trình độ sau đại học.

Đề án cũng xác định, có hơn 700 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo trình độ tiến sĩ, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu hợp lý. Giảng viên, giáo viên có 50% trở lên được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của nhà giáo về: Phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kiến thức thực tiễn. Cán bộ quản lý giáo dục có 50% trở lên được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực cần thiết cho cán bộ quản lý giáo dục về: Quản trị nhà trường, quản lý học viên, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kiến thức thực tiễn. Mỗi năm có hơn 35 nhà giáo Quân đội được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; trong mỗi đợt xét có hơn 15 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Quân đội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Mỗi năm có hơn 200 lượt cán bộ là lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị Quân đội tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học... tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội. Mỗi năm có trên 20% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tham gia ít nhất một lần trong các hoạt động luân chuyển, thực tế, tham quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn ở các đơn vị. Mục tiêu của Đề án cũng xác định, từ năm 2026 đến hết năm 2030, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có 95% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; 75% trở lên nhà giáo qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng; 20-30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế... Có 1.500 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được đi đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý...

HỒNG SÁNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/nang-tam-doi-ngu-nha-giao-can-bo-quan-ly-giao-duc-trong-quan-doi-745069