Nâng tầm giá trị cây ăn trái

Hiền Lương

BPO - Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm trái cây sạch ngày càng gia tăng, tỉnh Bình Phước đã và đang xây dựng các vùng chuyên canh, hợp tác xã (HTX) cây ăn trái đặc sản canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính. Tháng 12-2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã ký kết với Trung tâm Khoa học và Công nghệ về việc thực hiện Đề tài “Xây dựng và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào sản xuất trái cây sầu riêng và bưởi da xanh trên địa bàn huyện Đồng Phú”. HTX nông nghiệp Thành Công, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú là 1 trong 3 mô hình được lựa chọn để thực hiện đề tài này.

Sản xuất bưởi VietGAP

Ông Lâm Ngọc Của ở ấp 1, xã Đồng Tâm, thành viên HTX nông nghiệp Thành Công cho biết, gia đình có 20 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu 600 tấn bưởi. Mặc dù canh tác theo hướng hữu cơ sinh học nhưng bưởi bán vẫn không được giá. Lý do thương lái đưa ra là vườn bưởi chưa có giấy chứng nhận VietGAP. Bất lợi trong giao thương, lại giảm thu nhập, ông quyết tâm canh tác theo quy trình VietGAP.

Ông Lâm Ngọc Của trao đổi với cán bộ cơ quan chức năng về quy trình canh tác theo hướng VietGAP

Ông Lâm Ngọc Của trao đổi với cán bộ cơ quan chức năng về quy trình canh tác theo hướng VietGAP

Để đạt tiêu chí VietGAP, ông Của phải ghi nhật ký quy trình sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun đúng liều theo khuyến cáo, đảm bảo thời gian cách ly, có kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, trang bị đồ bảo hộ lao động đầy đủ trong quá trình sản xuất... Theo ông Của, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp gia đình nâng cao trình độ canh tác, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học, kỹ thuật trong thâm canh, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Thu ở ấp 1, xã Đồng Tâm cũng được Trung tâm Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất 2 ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Thu, để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhà vườn phải chú trọng vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn từ khâu quy hoạch vườn, phương thức sản xuất, thu hái, bảo quản, đóng gói tới bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, trong quá trình canh tác không sử dụng thuốc diệt cỏ, không dùng phân bón, thuốc hóa học mà dùng thuốc sinh học, phân hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, giữ được độ bền, trái cây đảm bảo chất lượng.

Ông Trần Văn Thu (bìa phải) giới thiệu về vườn bưởi trồng theo hướng VietGAP

Ông Trần Văn Thu (bìa phải) giới thiệu về vườn bưởi trồng theo hướng VietGAP

Nhờ áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cùng nhiều lợi ích khác thụ hưởng từ dự án chăm sóc nên vườn bưởi của gia đình ông Thu năm nay phát triển tốt, đạt năng suất cao hơn những năm trước. Cây bưởi ra trái to, tròn đều, trọng lượng trung bình từ 1,5-2kg/trái trở lên, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên giá bán cao hơn mức trung bình trên địa bàn. Hiện vườn bưởi ước thu hoạch khoảng 60 tấn trái, giá bán được thương lái đăng ký thu mua tại vườn từ 25-29 ngàn đồng/kg; trừ chi phí, gia đình ông ước thu hơn 600 triệu đồng.

“Lợi kép” với trái cây sạch

Gia đình ông Đỗ Văn Đại ở ấp 1, xã Đồng Tâm trồng 2 ha sầu riêng Thái hiện đã 8 năm tuổi. Vụ sầu riêng năm nay, hộ ông thu gần 10 tấn trái, mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ông Đại cho biết, đầu năm 2022, gia đình ông được chọn thực hiện dự án, tham gia canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất an toàn. Ông cũng như nhiều thành viên HTX nông nghiệp Thành Công rất phấn khởi. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng hệ thống tưới tự động riêng cho từng loại cây nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Chi phí đầu tư giảm mà năng suất tăng, trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn.

Theo các hộ nông dân trồng sầu riêng, cái được lớn nhất khi sản xuất theo hướng VietGAP là đã hình thành thói quen canh tác khoa học. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi như trước, khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật khoa học, làm theo quy trình, tạo thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng… Qua đó, sản phẩm được chứng minh nguồn gốc rõ ràng, nâng tầm giá trị khi đưa ra thị trường. Canh tác theo hướng VietGAP, việc tiêu thụ dễ dàng hơn nhiều bởi chất lượng được nâng cao; gần 100% sản lượng tham gia mô hình VietGAP đã được khách hàng đặt mua.

Để có trái cây đặc sản thương hiệu Bình Phước

HTX nông nghiệp Thành Công hiện có 29 thành viên với hơn 600 ha cây công nghiệp và cây ăn trái. Ngoài 4 hộ đăng ký canh tác bưởi da xanh theo quy trình VietGAP, HTX có 6 hộ nông dân trồng sầu riêng cũng đang làm theo quy trình VietGAP. Tổng diện tích tham gia dự án của 2 loại cây này là 30 ha.

Bà Võ Thị Tình, đại diện Trung tâm Hỗ trợ trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đơn vị tư vấn của dự án nhận xét, về quy trình, thành viên HTX nông nghiệp Thành Công đã canh tác theo hướng hữu cơ là chính nên rất thuận lợi. Tuy nhiên, một số hộ chưa chú trọng việc dọn dẹp vườn, ghi chép nhật ký. Do đó, trung tâm đã cử người hướng dẫn họ ghi chép nhật ký đầy đủ và dọn vườn sạch sẽ.

Theo ông Mai Ngọc Luận, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là mô hình khởi đầu để hoàn thiện quy trình quản lý sản xuất theo chuỗi thực phẩm “từ vườn đến bàn ăn”, nhằm xác định các mối nguy cơ và tìm giải pháp xử lý để có sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Đặc biệt là hướng đến nền nông nghiệp sạch, tạo dấu ấn thương hiệu trái cây của nông dân xã Đồng Tâm phát triển, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. “Mong muốn các hộ sớm được cấp giấy chứng nhận VietGAP để nâng tầm giá trị trái cây, nâng cao đời sống thành viên HTX. Lúc đó, trái cây của HTX sẽ có trên nhiều thị trường, các siêu thị, thành phố hoặc xuất khẩu” - ông Luận chia sẻ.

Tôi thấy tiềm năng cây ăn trái ở Bình Phước lớn, đặc biệt trái cây rất chất lượng. Tôi mong thời gian tới, tỉnh đầu tư hỗ trợ thêm cho người dân phát triển cây ăn trái, tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương.

Bà Võ Thị Tình, Trung tâm Hỗ trợ trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP bước đầu đạt được kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, trên thực tế việc đầu tư sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Các mô hình hợp tác sản xuất bền vững còn mang tính hình thức, do mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông chưa chặt chẽ; các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu điều phối sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ chưa nhiều… Do vậy, để trái cây Bình Phước nâng tầm giá trị rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các ngành chức năng.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147679/nang-tam-gia-tri-cay-an-trai