Nâng tầm giá trị nông sản

Thành lập năm 2017, sau 8 năm hoạt động Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh ở xã Quang Hưng không ngừng đổi mới, khẳng định vai trò 'bà đỡ' đồng hành cùng thành viên, người dân địa phương sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thành viên HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng chế biến nông sản sau thu hoạch.

Thành viên HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng chế biến nông sản sau thu hoạch.

Chia sẻ về hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, ông Tống Xuân Vũ, Giám đốc HTX cho biết: Nhằm từng bước thích nghi với xu hướng thị trường, thời gian qua, HTX đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt là chế biến sâu nông sản sau thu hoạch. Từ đó, HTX không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản mà còn tạo sự liên kết bền vững, từng bước nâng cao giá trị nông sản.

Hiện nay, HTX duy trì hơn 50 ha trồng cây ăn quả, 100% diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP. Trước đây khi chưa có máy móc chế biến, sản phẩm nông nghiệp của HTX chủ yếu bán tươi. Nhiều năm được mùa, nông sản tươi khó bán, giá rẻ, một số thành viên của HTX đã thực hiện sấy nông sản bằng lò than. Tuy nhiên, nông sản sấy bằng phương pháp thủ công chất lượng không cao. Trước thực trạng đó, năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các thành viên HTX đã góp vốn để đầu tư 4 máy sấy bằng điện phục vụ sản xuất. Sản phẩm của HTX nhờ đó không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn nâng cao giá trị kinh tế, tính cạnh tranh rõ rệt. Mặt khác, HTX quyết liệt đổi mới trong khâu đóng gói và bảo quản. Mỗi sản phẩm dù nhỏ đều có tem mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, xây dựng thương hiệu, góp phần tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường.

Ông Vũ Ngọc Hải, chủ doanh nghiệp đang liên kết thu mua nông sản của HTX cho biết: Tôi đã liên kết với HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh được 3 năm, HTX rất nhanh nhạy trong chế biến và đóng gói sản phẩm. Là sản phẩm truyền thống nhưng quy cách đóng gói hiện đại, nhiều sản phẩm nhỏ gọn, dễ vận chuyển, phù hợp làm quà biếu.

Nông sản sau chế biến được đóng gói mẫu mã đẹp, đa dạng tại HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng.

Nông sản sau chế biến được đóng gói mẫu mã đẹp, đa dạng tại HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng.

Với sản phẩm sau chế biến bảo đảm chất lượng, mẫu mã đa dạng, HTX chú trọng việc tiêu thụ, xây dựng mối liên kết bền vững. Bên cạnh các hoạt động như: Tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối cung cầu, HTX tích cực giới thiệu, bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử… Mỗi khi vào mùa vụ, các thành viên HTX còn livestream trực tiếp các khâu từ chăm sóc, chế biến đến đóng gói, bảo quản để khách hàng được biết và yên tâm tin dùng sản phẩm… Với những nỗ lực bền bỉ để thay đổi nhằm phát triển, sau mỗi năm, HTX lại có thêm những mối liên kết, bạn hàng mới ở trong và ngoài tỉnh.

Ông Vũ Hồng Ngân, thành viên HTX cho biết: Ngoài chế biến các sản phẩm thế mạnh của địa phương là nhãn, bột sắn dây, tôi còn chế biến sản phẩm dược liệu. Việc thực hiện chế biến sâu sau thu hoạch đã góp phần nâng cao giá trị nông sản so với bán thô như trước đây. Đặc biệt, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất góp phần giúp tôi mở rộng thị trường, khách hàng. Thông qua kênh thương mại điện tử, đến nay tôi duy trì mối liên kết với 3 công ty. Sản phẩm của gia đình tôi không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp ra các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đến nay, HTX có 25 thành viên, sản phẩm long nhãn của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Mỗi năm, HTX chế biến được 50 - 60 tấn nông sản các loại. Do hoạt động hiệu quả, những năm qua, thu nhập của các thành viên trong HTX đều ổn định, trung bình đạt 100 - 500 triệu đồng/năm.

Minh Hồng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-3183122.html