Nâng tầm hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp
Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 năm 2022 và triển khai thực hiện tới Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, hoạt động giám sát đã có những bước chuyển biến về cách thức tổ chức, thực hiện, tạo hiệu quả ngày càng rõ nét hơn trên thực tế tại nhiều địa bàn ở thành phố Hà Nội.
Cử tri phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội).
Bám sát hơi thở cuộc sống
Những năm qua, các vấn đề về sai phạm đất đai là một trong những nội dung rất dễ tạo nên bức xúc trong đời sống xã hội và được người dân thành phố Hà Nội rất quan tâm.
Cử tri Vũ Thanh Liêm, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 9, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: “Phường Yên Phụ có hơn 24.000 dân, phân bổ ở 14 tổ dân phố, trong đó, khoảng 1/3 các tổ dân phố sinh sống ở khu vực đất bãi bồi, đất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng lấn chiếm trái phép nhiều điểm, hàng nghìn mét vuông. Trong nhiều năm trước, các thế hệ lãnh đạo đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm”.
Cùng chia sẻ điều này, cử tri Đinh Quốc Phòng ở phường Cát Linh, quận Đống Đa cũng thông tin, trước đây có nhiều điểm xây dựng lấn chiếm đất đai gây bức xúc tại địa bàn, xảy ra nhiều năm và đã trở thành những điểm nóng kéo dài.
Đặc thù của đời sống tại Thủ đô Hà Nội rất đa dạng, có nhiều hoạt động dân sinh có thể nảy sinh bức xúc trong cuộc sống hằng ngày.
Đặc thù của đời sống tại Thủ đô Hà Nội rất đa dạng, có nhiều hoạt động dân sinh có thể nảy sinh bức xúc trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều vấn đề là thế, nhưng theo đánh giá của các cử tri, số lượng kỳ họp HĐND hay các cuộc đối thoại với chính quyền địa phương các năm trước còn ít, chất lượng của hoạt động giám sát chưa cao, cho nên việc giải quyết kiến nghị rơi vào tình trạng bị trì trệ.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, công tác đối thoại, giám sát và tái giám sát của HĐND các cấp đã có những thay đổi mang tính chất quyết liệt, “đúng và trúng”, giúp cho các vấn đề đời sống trên địa bàn được giải quyết một cách triệt để.
Sau những kiến nghị, phản ánh tại các cuộc đối thoại, nhiều “điểm nóng” về sai phạm đất đai tại các địa bàn dân cư đã được xử lý. Thực hiện kết luận sau thanh tra, các cấp chính quyền địa phương đã vận động, xử lý các trường hợp vi phạm giúp giải quyết dứt điểm những bức xúc tồn đọng.
Để có sự chuyển biến này, công tác đóng góp ý kiến và nâng cao chất lượng giám sát xử lý kiến nghị của các cấp HĐND thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được triển khai và nâng cao một cách bài bản, rõ rệt.
Luôn xác định việc nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp là một mục tiêu quan trọng, vì vậy, sau khi có Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã rà soát nghiên cứu và ban hành quy định về quy trình tổ chức hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là những quy trình mang tính bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 15-ĐA/TU (ngày 12/5/2022) về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, với mục đích giúp Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 khi triển khai được hiệu quả và bám sát tình hình thực tế.
Triển khai phù hợp thực tế địa phương
Sau một năm thực hiện Đề án 15, từ thực tế ghi nhận, có thể thấy hoạt động của HĐND các cấp đã có nhiều sự đổi mới, đơn cử như nội dung giám sát về công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị và trật tự xây dựng - một chuyên đề giám sát trọng tâm của HĐND quận Tây Hồ trong năm 2023.
Theo đánh giá của nhiều cử tri, nhờ đồng bộ hệ thống chính trị nên công tác giám sát, xử lý kiến nghị được thực hiện kịp thời, giúp cho nhiều địa bàn dân cư không còn “điểm nóng” về đất đai, các mâu thuẫn trong đời sống đều được giải quyết nhanh chóng.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ chia sẻ: Trong thời đại mạng xã hội hoạt động mạnh, những vấn đề dân sinh, bức xúc liên tục được phản ánh. Do vậy, khi có Nghị quyết số 594 hay Đề án 15, việc thực hiện nhiệm vụ của HĐND các cấp có cơ sở pháp lý vững chắc, giúp cho việc thực hiện được thuận lợi hơn, góp phần làm cho hoạt động của HĐND năng động, linh hoạt, bắt kịp hơn với những vấn đề thực tiễn của cuộc sống đang diễn ra hằng ngày.
Theo ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội: Cho đến nay, các hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã được triển khai thực hiện bảo đảm đúng chỉ tiêu, đúng mục tiêu, ngày càng đi vào thực chất, chất lượng, hiệu quả, tránh được việc hình thức.
Theo đánh giá của nhiều cử tri, nhờ đồng bộ hệ thống chính trị nên công tác giám sát, xử lý kiến nghị được thực hiện kịp thời, giúp cho nhiều địa bàn dân cư không còn “điểm nóng” về đất đai, các mâu thuẫn trong đời sống đều được giải quyết nhanh chóng.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo nâng cao chất lượng trong việc ban hành các báo cáo giám sát theo hướng chỉ rõ hạn chế, bất cập gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, đơn vị; các yêu cầu, kiến nghị đối với các đối tượng giám sát phải cụ thể, gắn với tiến độ thực hiện; đối với các kết luận chất vấn, giải trình cần phải rõ trách nhiệm gắn với cam kết, tiến độ khắc phục của người được chất vấn, giải trình.
Với phương châm giám sát đi tới cùng vấn đề, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã giao các ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND thành phố thực hiện theo dõi, đôn đốc theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, trên cơ sở đó tổng hợp kết quả thực hiện các yêu cầu, kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình. Đối với những nội dung chậm thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả sẽ thực hiện tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố.
Có thể khẳng định, những quy định của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 vừa là cơ sở pháp lý, vừa mang tính đường hướng cụ thể để HĐND các cấp thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn nội dung tiến hành giám sát. Từ những tiêu chí đó, những nội dung được HĐND các quận lựa chọn đều bảo đảm được tính kịp thời, sát với tình hình thực tiễn đang diễn ra của quận và giải quyết một phần những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn.