Nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan
Nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính theo lời mời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã chia sẻ với báo TG&VN mục đích, ý nghĩa và trọng tâm của chuyến thăm này.
Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Mỗi chuyến công du của Lãnh đạo cao cấp đều có thông điệp, mục tiêu và đem lại những kết quả nhất định. Chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không ngoài mục tiêu thúc đẩy, thắt chặt và nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan.
Ngày 6/12/2021, khi tình hình dịch Covid-19 còn rất căng thẳng tại hai nước cũng như trên thế giới, trong cuộc điện đàm ngắn, ngoài những nội dung quan trọng về hợp tác chống dịch và nhiều vấn đề lớn khác, Thủ tướng Mark Rutte đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Hà Lan với kỳ vọng chuyến thăm sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ vốn đã bền chặt giữa hai nước.
Đại dịch Covid-19 là điều khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử đã khiến thế giới chao đảo, và những quốc gia hùng mạnh bậc nhất cũng trở nên yếu đuối. Năm 2022 tiếp tục chứng kiến những biến động theo một cách ít ai có thể ngờ càng khiến nhiều người nhận ra rằng, chỉ có hợp tác hòa bình và thành thực vì mục tiêu chung của loài người mới có thể cùng tồn tại và phát triển.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là thông điệp và ý nghĩa của chuyến thăm, đặc biệt trước thềm Năm mới 2023, khi hai nước cùng kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm sẽ tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đặt trọng tâm vào các lĩnh vực hợp tác song phương nào?
Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung về điều kiện tự nhiên (là quốc gia ven biển, phải đối mặt với lũ lụt, ngập mặn, biến đổi khi hậu) và địa chính trị (là cửa ngõ của khu vực). Hà Lan có nhiều thế mạnh trong vấn đề trị thủy, tận dụng sức mạnh thiên nhiên để phục vụ con người.
Hà Lan quyết tâm đi đầu trong mục tiêu khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và là hình mẫu tốt của thế giới về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng… Đó là những vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam.
Hà Lan và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ hợp tác song phương lên tầm Đối tác chiến lược ngành từ khá lâu: Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (từ 2010) và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (từ 2014). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này là hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dành quan tâm lớn cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Ngoài việc chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng”, Thủ tướng còn dành thời gian tiếp, lắng nghe các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan đã có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam từ rất lâu hoặc đang quan tâm, muốn dịch chuyển sang Việt Nam.
Trong gần 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hà Lan có những dấu ấn gì nổi bật? Theo Đại sứ, đâu là lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai nước cần thúc đẩy trong thời gian tới?
Quan hệ Hà Lan – Việt Nam đã có bề dày hơn 400 năm, khi công ty Đông Ấn vươn đến khu vực Đông Á để khám phá thị trường, tìm nguồn nguyên liệu. Nhiều thế hệ người Hà Lan yêu chuộng hòa bình, công lý đã xuống đường phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Năm 1968, các bác sỹ Hà Lan tổ chức quyên góp ủng hộ nhân dân vùng chiến tuyến và xây dựng một bệnh viện tại Quảng Trị. Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam ra đời và tồn tại đến ngày nay, Bệnh viện Quảng Trị (nay đã được xây lại) là những dấu ấn đẹp của tình hữu nghị giữa hai nước.
Trong những năm gian khó của Việt Nam, Hà Lan đã cử rất nhiều chuyên gia giáo dục, nông nghiệp, thủy lợi, hàng hải… sang Việt Nam. Họ đã góp phần giúp Việt Nam vượt khó vươn lên, từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo.
Hai thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ giữa hai nước. Trong thập niên trước năm 2000, số đoàn cấp cao và cấp Bộ của Việt Nam sang Hà Lan chỉ là 5, của Hà Lan sang Việt Nam chỉ là 2, thì trong hai thập kỷ sau đó, Việt Nam cử 19 đoàn, còn Hà Lan 12 đoàn.
Nhờ vậy, hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, thương mại, đầu tư… đều tăng rất nhanh. Mối quan hệ đối tác chiến lược đã hình thành trong giai đoạn này và quan hệ Đối tác toàn diện đã hình thành nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte (tháng 4/2019).
Có thể coi đó là những dấu ấn nổi bật trong thời gian qua. Tới đây, hai nước có rất nhiều tiềm năng phát triển hợp tác trên cơ sở những tương đồng trong nhận thức về nguy cơ, thách thức của nhân loại để phát triển bền vững. Có thể nêu một số lĩnh vực sau:
Hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu. Hà Lan đặt mục tiêu khí hậu rất cao và quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phát triển và đây chính là động lực để hai nước cùng sát cánh với nhau. Những công nghệ tiên tiến, những sáng kiến của Hà Lan có thể được thử nghiệm, ứng dụng tại Việt Nam.
Hợp tác chuyển đổi năng lượng. Hà Lan đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch. Việt Nam cũng đang quyết tâm phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió và hydrogen.
Hợp tác quy hoạch và xây dựng cảng biển hiện đại, thông minh, kết nối với các cơ sở hạ tầng trong nước phục vụ phát triển. Thế mạnh này của Hà Lan đã được kiểm chứng bằng chính thực tiễn của nước này và nhiều nơi trên thế giới.
Hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đây là một mắt xích rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, cung cấp bộ óc của các cỗ máy, thiết bị điện tử thông minh, hiện đại mà cả thế giới đang cần.
Hợp tác trong nông nghiệp công nghệ cao. Công nghệ giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sinh trưởng, thu hoạch và sau thu hoạch, giúp Việt Nam làm chủ chất lượng nông sản để có thể tham gia chuỗi giá trị và phát triển giá trị thương hiệu Việt.
Đại sứ có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn, hợp tác với các đối tác Hà Lan?
Tôi muốn nhắn nhủ các doanh nghiệp Việt Nam đôi điều.
Trước hết, nên và cần hợp tác với Hà Lan. Hà Lan là cửa ngõ của châu Âu cả về vị trí địa lý và hệ thống giao thông, hậu cần. Từ cảng Rotterdam, hàng hóa có thể được chuyển đường bộ đến các thành phố lớn châu Âu trong vòng 24 giờ. Hà Lan là mảnh đất quốc tế cho rất nhiều công ty, tập đoàn lớn đặt trụ sở. Nhân công Hà Lan có trình độ cao và thành thạo tiếng Anh. Doanh nghiệp Hà Lan là doanh nghiệp quốc tế, có mạng lưới phân phối khắp châu Âu. Họ am hiểu các quy định, nhu cầu, thị hiếu của các nước trong khu vực. Nhờ vậy một khi đã làm ăn được với doanh nghiệp Hà Lan thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận các nước châu Âu khác. Mặt trái của việc này là, nếu sản phẩm của ta không đáp ứng được thị trường Hà Lan sẽ dẫn đến hiệu ứng bất lợi hàng loạt tại nước khác.
Hơn thế, làm ăn với đối tác Hà Lan không phải chỉ là thương mại. Hà Lan tự hào về doanh nhân của mình. Từ thế kỷ XVII, doanh nhân Hà Lan đã chinh phục thị trường khắp thế giới. Ngày nay, Hà Lan dựa vào ngoại thương để phát triển. Kinh nghiệm của doanh nhân Hà Lan phong phú và đáng nể. Như vậy, giá trị gia tăng trong hợp tác, làm ăn với các doanh nhân Hà Lan chính là kho kinh nghiệm quý và tầm nhìn của họ.
Thứ hai, “nhập gia tùy tục”. Hà Lan có nhiều quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều nước châu Âu. Ngoài những yêu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp Hà Lan còn đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu về thị hiếu của chính người tiêu dùng. Hà Lan không chỉ yêu cầu về giá cả và chất lượng phù hợp, mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất (đảm bảo cả yếu tố bảo vệ môi trường lẫn nhân quyền, như điều kiện lao động của công nhân). Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu, tiêu chuẩn trước khi tìm đối tác và khách hàng.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan là một trong những cộng đồng người Việt tại Châu Âu hoạt động sôi nổi và tích cực. Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan đã đóng góp gì vào tình hữu nghị giữa hai nước?
Cơ quan Thống kê Hà Lan (CBS) đưa ra những con số chính xác đến ngạc nhiên. Tính đến tháng 7/2021, cộng đồng người Việt có 24.594 người, trong đó thế hệ thứ nhất có 14.910 người, thế hệ thứ hai có 9.684 người. Cộng đồng người Việt có đặc điểm là hội nhập tốt, có việc làm ổn định, tuân thủ luật pháp và không gây bất kỳ trở ngại gì đối với xã hội Hà Lan. Điểm dễ nhận thấy là dù làm nghề gì ở đâu, bà con cũng vẫn nặng lòng hướng về quê hương.
Ngoài việc tự giác tổ chức các hoạt động chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bà con còn âm thầm đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai nước. Tôi được gặp những người Việt làm trong các cơ quan từ chính phủ đến địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu hay doanh nghiệp, những người Việt thế hệ thứ hai, tiếng Việt chưa thật sõi nhưng vẫn luôn trăn trở để làm được gì đó cho Việt Nam, cho mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp.
Lý do thật đơn giản, họ muốn có ích cho cả hai quê. Trong mắt người Hà Lan, họ là những người chân thành, cần cù, thông minh, bền bỉ, tích cực đóng góp cho xã hội. Họ mang hình ảnh một Việt Nam đáng mến. Trong cuộc sống hàng ngày, họ và những thế hệ tương lai là cầu nối của hai cộng đồng, góp phần làm cho người Hà Lan hiểu người Việt và văn hóa Việt hơn.
Người tôi gặp gần đây nhất là anh Arijen Ilff. Anh sinh ra tại Vĩnh Long vào tháng 1/1975 nhưng không biết cha mẹ. Cuộc sống đã xô đẩy anh sang Hà Lan. Anh được nhận làm con nuôi từ khi mới 3 tháng tuổi. Anh là họa sỹ thiết kế, đã nhiều lần đi Việt Nam để cảm nhận vị quê, tìm lại nguồn cội và cha mẹ đẻ nhưng chưa được toại nguyện.
Những chuyến đi đã cho anh cảm nhận cụ thể hơn về Việt Nam. Anh tham gia và giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan-Việt Nam do Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Logo đã được Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển, bà Liesje Schreinemacher cùng anh Arijen Ilff long trọng công bố tại Việt Nam cuối tháng 11/2022 nhân chuyến thăm của bà và gần 50 doanh nghiệp lớn của Hà Lan.
Thật khó đong đếm những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan cho tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-tam-hon-nua-quan-he-hop-tac-viet-nam-ha-lan-209080.html