Nâng tầm hợp tác, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tài chính Việt Nam - Vương quốc Bỉ

Trong chương trình Chuyến công tác tại Vương quốc Bỉ, sáng ngày 4/7/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn Công tác Bộ Tài chính đã có cuộc làm việc với Ngài Vincent Van Peterghem - Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc tại buổi gặp. Ảnh: Duy Thái.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc tại buổi gặp. Ảnh: Duy Thái.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Vương quốc Bỉ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Ngài Vincent Van Peterghem đã dành cho Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin tới Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian gần đây. Theo đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 cơ bản được giữ ổn định; sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát và CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng giảm. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD. Vốn đầu tư FDI đăng ký tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước.

"Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng cho biết thêm.

Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng, các chỉ tiêu an toàn nợ của Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu danh mục nợ công và nợ Chính phủ được cải thiện rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng.

Phát biểu về vấn đề vay nợ viện trợ, Bộ trưởng thông tin, Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Vương quốc Bỉ trong thời gian qua và mong tiếp tục hợp tác trong thời gian tới đối với các lĩnh vực phía Vương quốc Bỉ có thế mạnh. Tuy nhiên, do quy trình của phía Vương quốc Bỉ đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA chưa cập nhật với pháp luật của Việt Nam, vì vậy, đề nghị phía Chính phủ Bỉ xem xét điều chỉnh.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực sử dụng vốn vay ODA của Bỉ phần lớn không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Do vậy, để sử dụng vốn vay Vương quốc Bỉ cho các lĩnh vực nói trên, Bộ trưởng đề nghị phía Bỉ điều chỉnh giảm các khoản phí, tăng thời hạn vay và tỷ lệ vốn viện trợ trong cơ cấu nguồn vốn để tăng mức độ ưu đãi của khoản vay.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Đối với viện trợ ODA của Chính phủ Bỉ cho Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, các dự án viện trợ của Bỉ thường do Nhà tài trợ trực tiếp điều hành, phía Việt Nam không quản lý, hạch toán được vào ngân sách, do đó khó đánh giá được tính hiệu quả. Vì vậy, về phương hướng hợp tác trong lĩnh vực viện trợ trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ Bỉ tăng cường phương thức hỗ trợ ngân sách trực tiếp và trao quyền chủ động cho bên tiếp nhận viện trợ.

Trao đổi về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam ủng hộ và đang chủ động nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để sớm đưa vào áp dụng.

“Được biết, các nước thuộc EU, trong đó có Vương quốc Bỉ đã thông qua Chỉ thị về thuế tối thiểu (EU Directive) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Do thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung mới với nhiều quy định phức tạp, chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính và các cơ quan thuế của Bỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình triển khai và áp dụng” - Bộ trưởng nêu.

Xây dựng cơ chế hợp tác thường xuyên hơn để phát triển tài chính xanh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để giải quyết vấn đề tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản và định hướng chính sách quốc gia và ngành toàn diện. Trên cơ sở đó, ngành Tài chính Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các chủ thể trong nền kinh tế để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, tác động tích cực đến môi trường.

Cụ thể, chính sách thu ngân sách nhà nước thời gian qua đã hướng tới mục tiêu trực tiếp, hoặc gián tiếp về tiếp cận tài chính xanh; đồng thời, chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính xanh được tiếp cận ở nhiều khía cạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, phát triển thị trường trái phiếu xanh là một trong các nhiệm vụ đặt ra tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà tài trợ quốc tế hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh từ cấp luật đến nghị định.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn các lĩnh vực dự án bảo vệ môi trường và việc xác nhận dự án xanh được sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu xanh để nhận được ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ngồi giữa) tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ngồi giữa) tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh tại thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới.

“Thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cũng như thực hiện các dự án phát hành thí điểm, do đó Bộ Tài chính Việt Nam rất mong Bộ Tài chính Bỉ chia sẻ kinh nghiệm về nội dung này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính hiện đang trong quá trình xây dựng Đề án thành lập thị trường các-bon tại Việt Nam. Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên, hướng tới mục tiêu chung về phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính theo các mục tiêu đặt ra tại COP-26, Bộ trưởng mong muốn có một cơ chế hợp tác thường xuyên với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của Bỉ để có thể tăng cường trao đổi kinh nghiệm về các chính sách tài chính phát triển thị trường các-bon.

Hai bên sẽ hợp tác toàn diện về các vấn đề tài chính

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem đã chúc mừng những thành quả đã đạt được của nền kinh tế Việt Nam, kết quả hợp tác có hiệu quả giữa hai nước thời gian qua, cũng như hoạt động thiết thực của Đoàn công tác lần này.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ Vincent Van Peterghem (bên phải) tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ Vincent Van Peterghem (bên phải) tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Thái

Qua trao đổi và đề xuất của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trong cuộc gặp này, Ngài Vincent Van Peterghem đã ghi nhận và cho biết, sẽ đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, phối hợp, hỗ trợ Việt Nam triển khai trong thời gian tới.

“Các khoản tài trợ nước ngoài của Bỉ đang cho thấy sự thành công và các dự án vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Đối với vấn đề vay ODA và viện trợ ODA cho Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Bỉ đang thực hiện những thay đổi về mặt chính sách để tiếp tục triển khai và hy vọng những đề xuất từ Việt Nam sẽ sớm được được tháo gỡ” - Phó Thủ tướng Vương quốc Bỉ nói.

Trao đổi về thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Thủ tướng Vincent Van Peterghem cho rằng: “Đây là vấn đề quan trọng và sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng không chỉ đối với các tập đoàn lớn, mà còn có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vương quốc Bỉ dự kiến sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong những ngày đâu khi cam kết này có hiệu lực từ 1/1/2024. Tôi cũng đồng thuận với Ngài Bộ trưởng, đây là vấn đề mới và khó, nhưng chúng tôi tin là chúng ta đang đi đúng hướng. Cũng như các vấn đề tài chính xanh, phát triển bền vững, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề triển khai thuế tối thiểu toàn cầu”.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem. Ảnh: Duy Thái

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem. Ảnh: Duy Thái

Phát biểu cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy, với nền tảng hợp tác đang được xây dựng tốt đẹp giữa hai nước, hai Chính phủ, Bộ trưởng tin tưởng trong tương lai hai bên sẽ có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác hơn nữa, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tài chính giữa hai nước.

“Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam và Vương quốc Bỉ sẽ có những hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn nữa về nhiều lĩnh vực như nợ công, thuế, hải quan, thị trường chứng khoán... từ đó nâng tầm mối quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ giữa hai nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam và Vương quốc Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973 và năm nay là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước tiến hành thường xuyên các chuyến thăm và làm việc ở cấp lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Điều này cho thấy quyết tâm của cả hai nước trong việc triển khai và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác.

Gần đây nhất, tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ .

Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt từ khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được đưa vào thực thi, quan hệ thương mại song phương của hai nước có thêm nhiều cơ hội phát triển tích cực. Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,730 tỷ USD.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-tam-hop-tac-gop-phan-thuc-day-moi-quan-he-tai-chinh-viet-nam-vuong-quoc-bi-131363.html