Nâng tầm hợp tác thương mại song phương

Chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (Việt Nam - EAEU) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan được trông đợi sẽ đưa kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên từ 4 tỷ USD hiện tại lên mức 8-10 tỷ USD trong những năm tới.

Xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội tăng trưởng sau khi FTA Việt Nam - EAEU chính thức hiệu lực

Xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội tăng trưởng sau khi FTA Việt Nam - EAEU chính thức hiệu lực

Theo Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu Veronika Nikishina, Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là văn kiện đầu tiên mà liên minh ký kết. Hiệp định này có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc từ tháng 10/2016, EAEU sẽ chuyển sang chế độ thương mại tự do với Việt Nam. Hiện Indonesia và Singapore cũng đã đề nghị ký hiệp định tương tự với EAEU, song thủ tục với các nước này phức tạp hơn, do đó dự kiến các hiệp định này còn phải cần đến nhiều thời gian.

FTA Việt Nam - EAEU bao gồm các nghĩa vụ của hai bên về tự do hóa song phương lĩnh vực thương mại dịch vụ, thực hiện đầu tư và di chuyển của cá nhân, sau đó, các nước thành viên của EAEU cũng có thể phát triển hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này. Các chuyên gia đánh giá, đây là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (xét trên phương diện các thỏa thuận) và mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với EAEU mà còn đem đến cơ hội vàng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.

Cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hiệp định này rất lớn, bởi ngay sau khi có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày, túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với đó, theo hiệp định, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép... Thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ.

Đặc biệt, đối với mặt hàng thủy sản, thị trường EAEU từ trước đã nhập khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Mức thuế của mặt hàng này vào khoảng 35% trước khi có FTA Việt Nam-EAEU nay về bằng 0%. Về mặt hàng dệt may, theo các chuyên gia, Việt Nam đang rất thuận lợi về xuất xứ do theo nội dung hiệp định, áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn, tức là chỉ có 1 công đoạn cắt và may, nhưng cái khó là mặt hàng này phụ thuộc vào thói quen của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú ý để có những giải pháp mẫu mã hợp gu thị trường này bởi không phải có thuận lợi về thuế, giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường.

Liên quan đến mặt hàng gạo, hiệp định này giới hạn mức gạo sang thị trường EAEU là 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, EAEU và Việt Nam đã cam kết sau 3 năm sẽ xem xét lại con số này.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-tam-hop-tac-thuong-mai-song-phuong-76221.html