Nâng tầm Lễ hội chùa Keo mùa Thu ở Thái Bình
Gần một tuần diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, trò chơi dân gian và các sự kiện song hành như Hội chợ OCOP; lễ hội bánh, ẩm thực; trải nghiệm in mộc bản…, Lễ hội chùa Keo mùa Thu đang thật sự trở thành điểm đến trong hành trình di sản không thể bỏ qua khi về với quê lúa Thái Bình dịp này.
Được cộng tác với Ban tổ chức Lễ hội chùa Keo huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) trong 2 mùa lễ hội gần đây, Giáo sư sử học Lê Văn Lan bày tỏ ấn tượng với ý tưởng tổ chức của chính quyền địa phương.
Ông phân tích, hiếm có nơi nào có địa thế cảnh quan đẹp như chùa Keo và nhất là còn gìn giữ, bảo lưu gần như nguyên vẹn từ kiến trúc, nội tự cho đến văn hóa truyền thống, trong đó còn duy trì những hoạt động riêng có, rất đặc sắc như rối cạn chầu Thánh, chèo chải cạn, múa ếch vồ.
Theo giáo sư, trong thời điểm hiện nay, việc còn bảo tồn được những giá trị cốt lõi về văn hóa của cha ông để lại là điểm sáng, là vốn quý mà Ban Tổ chức Lễ hội chùa Keo đang làm được. Bên cạnh đó, “tích hợp” những hoạt động mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với xu thế như tổ chức Hội chợ OCOP, hay như lễ hội bánh, ẩm thực mà không làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội dân gian vùng châu thổ sông Hồng.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, chính quyền huyện Vũ Thư dành nhiều công sức để nâng tầm lễ hội. Mỗi năm tổ chức đều cố gắng giữ gìn nét truyền thống tạo nên bản sắc, thương hiệu của Lễ hội chùa Keo, nhưng vẫn có sự đổi mới, đưa thêm nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa và trải nghiệm mới mẻ để thu hút du khách gần xa.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, lễ hội chùa Keo là sự kiện văn hóa đặc sắc, nổi bật không những của riêng Vũ Thư, mà còn là hình ảnh, là nét văn hóa chung của cả tỉnh. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên tháp chuông chùa Keo đồ sộ, mang giá trị thẩm mỹ cao được coi là biểu tưởng về văn hóa, về du lịch của tỉnh Thái Bình.
Cũng theo ông, Lễ hội chùa Keo mùa Thu không dừng lại ở lễ hội cấp huyện, mà đã trở thành lễ hội cấp vùng, có tầm ảnh hướng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trồng lúa nước châu thổ sông Hồng. Do đó, mỗi năm tổ chức tính lan tỏa của lễ hội chùa Keo vang xa và thu hút ngày càng đông người dân và du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh, thắp hương tri ân Phật Thánh.
Chùa Keo có Lễ hội mùa Xuân (diễn ra từ ngày mồng 4 tháng Giêng) và Lễ hội mùa Thu (diễn ra vào trung tuần tháng 9 âm lịch) được tổ chức đều đặn hằng năm. Nhưng Lễ hội mùa Thu vẫn là lễ hội chính trong năm vì có thời gian kéo dài (8 ngày), có nhiều hoạt động tín ngưỡng phong phú như: rước kiệu Thánh, tế lễ, hầu đồng…; có nhiều trò chơi dân gian như: thổi cơm thi, bắt vịt dưới hồ, cờ tướng… và có đa dạng hoạt động văn hóa như: du thuyền hát hội, giao lưu các Câu lạc bộ Chèo, biểu diễn múa rối nước…
Đại đức Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Keo cho biết, đồng hành cùng với chính quyền địa phương, Tổ đình chùa Keo cũng có những hoạt động cụ thể làm không gian lễ hội thêm đa dạng, nhiều sắc thái. Bên cạnh việc duy trì những tập tục, nghi lễ truyền thống gắn liền với di tích, những năm qua tại Lễ hội chùa Keo mùa Thu thường xuyên diễn ra đêm hội hoa đăng lung linh sắc màu, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà bình an.
Trong lễ hội năm nay, Tổ đình chùa Keo lần đầu tổ chức hoạt động trải nghiệm in mộc bản, rồi trưng bày những hình ảnh tư liệu về chùa Keo xưa và nay. Theo Đại đức, có những bức ảnh từ hơn 100 năm trước chụp kiến trúc và lễ hội ở chùa Keo như: gác chuông, toàn cảnh chùa từ trên cao, biểu diễn bơi chải trên sông Hồng, nghi thức múa Ổi Lỗi chầu Thánh tổ…
Cùng với ảnh xưa, bộ ảnh chùa Keo ngày nay cũng rất đặc sắc như: Cảnh chùa bình yên sau bão Yagi, lễ hội hoa đăng hay như lễ rước nước truyền thống…Qua đây, người dân và du khách dễ dàng hình dung, cảm nhận rõ hơn về lịch sử, về truyền thống, về nét văn hóa xưa cũ mang hồn cốt dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, giúp thế hệ trẻ thêm trân quý về Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo và nhất là Lễ hội chùa Keo mùa Thu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư Phạm Thị Như Phong cho biết: "Chúng tôi muốn nâng tầm Lễ hội chùa Keo trở thành điểm dừng chân hấp dẫn, thú vị đối với du khách, vì vậy thời gian qua nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa ếch vồ, hay như múa rối cạn đã được phục hồi. Bên cạnh đó, không gian lễ hội được mở rộng với việc tổ chức Hội chợ OCOP các vùng miền; lễ hội bánh, ẩm thực… tạo thêm trải nghiệm mới cho mọi người khi tới đây".
Lễ hội chùa Keo mùa Thu ở tỉnh Thái Bình diễn ra trong 8 ngày (từ 12 đến 19/10/2024). Qua theo dõi, vào dịp cuối tuần hay các buổi tối, nơi đây thường đông nghịt người. Sau thời gian làm việc, lao động vất vả, người dân đến với lễ hội như một nhu cầu cần thiết để cân bằng cuộc sống.
Được hòa mình vào cảnh quan kiến trúc rộng lớn, uy nghiêm của ngôi cổ tự; được đắm chìm trong những câu hát giao duyên, những trò chơi xưa cũ; được nghe và thưởng thức nghi thức hầu đồng xốn xang lòng người. Âu cũng là lúc để mỗi người có dịp bình tâm hơn, sống chậm lại để cảm nhận về cuộc sống và những điều thú vị, ý nghĩa chung quanh ta.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-tam-le-hoi-chua-keo-mua-thu-o-thai-binh-post837401.html