Nâng tầm ngành dừa để đảm bảo sinh kế cho người dân

Ngành dừa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi được đưa vào Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Với mục tiêu đạt diện tích 195.000 - 210.000ha và trên 30% diện tích được sản xuất theo quy trình GAP, ngành dừa không chỉ hướng đến mục tiêu xuất khẩu mà còn chú trọng phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân và thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn.

Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành theo Quyết định 431/QĐ-BNN-TT năm 2024.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 170.000 - 175.000ha. Trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP hoặc tương đương, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD nhưng đã tăng lên 900 triệu USD trong năm 2023. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt vượt mốc 1 tỷ USD.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt vượt mốc 1 tỷ USD.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt vượt mốc 1 tỷ USD.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng từ khi Bộ NN-PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Khi các hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức. Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương đã được cấp 20 mã số vùng trồng, trong đó 10 mã đã đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Đông mong muốn doanh nghiệp xuất khẩu và các chuỗi liên kết tiếp tục mở rộng diện tích trồng dừa tại Trà Vinh. So với Bến Tre, diện tích trồng dừa của Trà Vinh chỉ bằng 1/4 (khoảng 20.000ha) nhưng địa phương tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, "thủ phủ dừa" của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng ĐBSCL và gần 42% diện tích dừa cả nước. Tỉnh Bến Tre hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, Châu Âu, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc,… Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh hơn 350 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) thông tin: "Bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn". Bà Thủy nêu ý kiến rằng cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa. Từ đó, mới tránh được tâm tư khi giá dừa xuống thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới đã hiểu được xu thế và đầu tư nhiều vào máy móc hiện đại. Tại Việt Nam, công nghệ chế biến dừa tương đương với quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam kiến nghị để ngành dừa phát triển cần chia sẻ hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp. Các địa phương trồng dừa tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy ngành dừa ở vùng sâu xa, tạo điều kiện cho logistics.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nang-tam-nganh-dua-de-dam-bao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-i756293/