Nâng tầm phát triển TP HCM - Tây Nguyên

Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tạo điều kiện để các bên phát triển ổn định

Hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) năm 2023, kế hoạch triển khai hợp tác năm 2024 đã diễn ra sáng 4-4 tại TP HCM.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhau

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch triển khai Bản Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023.

5 tỉnh Tây Nguyên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và các tỉnh trong vùng. Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của các bên đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức, tham gia triển khai thực hiện những sự kiện hợp tác tại TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã thảo luận về định hướng kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024. Đại diện Gia Lai mong muốn TP HCM và tỉnh sẽ chú trọng phát huy các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác song phương nhưng chưa được khai thác, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, du lịch..., qua đó sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Đại diện cơ quan chức năng TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên trao văn bản ghi nhớ hợp tác Ảnh: TRUNG DŨNG

Đại diện cơ quan chức năng TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên trao văn bản ghi nhớ hợp tác Ảnh: TRUNG DŨNG

Tỉnh Kon Tum đề xuất trong năm 2024 sẽ phối hợp với TP HCM đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch để khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp của hai địa phương để tiêu thụ sản phẩm đặc trưng và khai thác ưu thế của Kon Tum.

Trong khi đó, Lâm Đồng bày tỏ mong muốn được TP HCM hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố. TP HCM còn được đề nghị hỗ trợ, chia sẻ các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI; giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm của Lâm Đồng.

TP HCM cần Tây Nguyên, Tây Nguyên cần TP HCM

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh này sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM chỉ đạo tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thường xuyên kết nối thực hiện xúc tiến đầu tư - thương mại mà hai bên có lợi thế. Đắk Nông cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp TP HCM, tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực đột phá phát triển đã được xác định trong quy hoạch của tỉnh.

"Sau hội nghị lần này, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung nguồn lực, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM. Tôi hy vọng hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ đạt được mục tiêu đề ra, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển" - ông Lê Văn Chiến bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết trước mắt, trong năm 2024-2025, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp triển khai tốt các lĩnh vực hợp tác trọng tâm theo Bản Thỏa thuận đã ký. Trong đó, tập trung phối hợp hoàn thành 5 nội dung hợp tác song phương với TP HCM ở lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đắk Lắk đẩy mạnh kết nối, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá thời gian qua, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt những kết quả khả quan. Song, bên cạnh đó cũng còn nhiều điều chưa đạt, điển hình như việc các địa phương chưa xem trọng hợp tác phát triển xã hội.

Ông Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên đối với sự phát triển của TP HCM. Theo đó, trong sự phát triển của TP HCM không thể thiếu các tỉnh vùng Tây Nguyên, bởi đây vừa là thị trường vừa là nguồn nhân lực, vừa là vùng nguyên liệu cho sự phát triển của thành phố. Nếu TP HCM không có những vùng nguyên liệu, thị trường này thì cũng rất khó phát triển.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định sự phát triển của các địa phương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp TP HCM cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên phát triển ổn định.

32 nội dung hợp tác trong năm 2024 - 2025

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất về việc TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục triển khai 32 nội dung hoạt động hợp tác song phương trong năm 2024 - 2025.

Trong năm 2024, TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ tổ chức nhiều sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng/quốc gia. Theo đó, UBND TP HCM chủ trì 12 sự kiện, gồm 10 sự kiện diễn ra tại TP HCM và 2 sự kiện tại tỉnh Đắk Nông. UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì 4 sự kiện, gồm: Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III; Lễ hội Hoa tại TP Đà Lạt; Lễ hội Sâm (Festival Sâm).

Dịp này, Sở Y tế TP HCM cũng ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển với Sở Y tế 5 tỉnh Tây Nguyên.

558 dự án kêu gọi đầu tư

Chiều 4-4 , UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 với sự tham dự của trên 300 đại biểu từ các tỉnh trong vùng và TP HCM.

Đại diện UBND các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư năm 2024 và kêu gọi đầu tư của địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương.

Tại hội nghị, TP HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã công bố tổng cộng 558 dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế...Trong đó, Lâm Đồng có tới 217 dự án, tiếp theo là Kon Tum với 157 dự án. Các tỉnh, thành khác như TP HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai cũng có số lượng dự án đáng kể. Một số dự án trọng điểm có thể kể đến như: Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng); khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk); dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai); khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum)...

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng nhiều dự án trong số 558 dự án nêu trên rất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, của quốc gia và định hướng phát triển từng địa phương. Các dự án này cũng vừa tầm với quy mô tài chính của doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp đã nêu những kiến nghị cụ thể, mong muốn nhiều dự án được triển khai thực hiện và thực hiện càng sớm càng tốt. Vì vậy, dưới góc độ phối hợp để xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, trước hết TP HCM và các địa phương phải tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối" - ông Võ Văn Hoan nhìn nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị sau hội nghị này, các cơ quan, sở, ngành của thành phố phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp đến địa phương khảo sát thực tế, trao đổi, xúc tiến đầu tư theo từng nhóm, ngành, lĩnh vực và nhu cầu đầu tư.

Thanh Nhân

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-tam-phat-trien-tp-hcm-tay-nguyen-196240404220627543.htm