Nâng tầm phố đi bộ hồ Gươm
Đề án mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Gươm, TP Hà Nội được người dân ủng hộ nhưng cần siết chặt quản lý, vận hành tốt hơn
Sau 3 năm thí điểm không gian đi bộ quanh hồ Gươm, mới đây, UBND TP Hà Nội đề xuất Thành ủy Hà Nội kết thúc thí điểm và chính thức cho triển khai, đồng thời mở rộng không gian đi bộ sang một số tuyến phố khác.
Kích cầu phát triển du lịch
Theo dự kiến, UBND quận Hoàn Kiếm được giao xây dựng đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Gươm để giảm áp lực đông người. Đồng thời, kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng, gồm các phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ (đoạn từ Đinh Liệt đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Bè, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên. UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng đề án thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận 1 tháng liên tục, làm cơ sở để UBND TP Hà Nội đánh giá, xây dựng đề án giảm phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm TP.
Đánh giá 3 năm thí điểm phố đi bộ hồ Gươm, UBND TP Hà Nội khẳng định đã thành công về mặt kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự... Không gian đi bộ quanh hồ Gươm đã tạo được một điểm đến của thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê của Hà Nội, 3 năm qua, khu vực này đã diễn ra 357 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố trong nước và 24 quốc gia. Không gian đi bộ quanh hồ Gươm đã góp phần hình thành thói quen đi bộ, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh thủ đô...
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết phố đi bộ đã kích cầu phát triển thương mại, du lịch, kinh tế của quận nói riêng và Hà Nội nói chung. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Hiện trên địa bàn quận có 176 công ty lữ hành, 585 khách sạn và cơ sở lưu trú với 12.404 phòng. Từ đó, thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước: năm 2016 đạt 5.387 tỉ đồng, năm 2019 ước đạt 9.749 tỉ đồng. Du khách trong và ngoài nước đến phố đi bộ hồ Gươm rất đông, trung bình ban ngày khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 - 20.000 người. Lượng du khách quốc tế lưu trú ở quận Hoàn Kiếm cũng tăng nhanh - nếu năm 2016 là hơn 1,36 triệu lượt thì đến năm 2018 đã đạt hơn 2,18 triệu lượt.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ sau 3 năm thực hiện thí điểm, việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận đã khẳng định được chủ trương đúng đắn của chính quyền TP, sự quyết tâm của UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành. Không gian đi bộ khu vực hồ Gươm được người dân thủ đô, cả nước và du khách quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Cần có lộ trình
Tuy số đông đồng tình nhưng cũng có không ít người chỉ ra những bất cập của phố đi bộ hồ Gươm. Bà Nguyễn Thu Hà, một người dân sống gần khu vực hồ Gươm, cho biết cuối tuần hàng quán tấp nập, người ra vào đông đúc, vứt rác bừa bãi, mở nhạc ầm ĩ khiến nhiều người bức xúc. "Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa để khu phố đi bộ trở thành điểm đến ưa thích của người dân và du khách, chứ không phải người ta đến một lần rồi không bao giờ đến nữa" - bà Hà bày tỏ.
Nhiều người khác lại cho rằng phạm vi phố đi bộ như hiện tại đã khá rộng, không nên mở thêm. Theo họ, chính quyền nên xem xét mở thêm phố đi bộ cuối tuần trên đường Thanh Niên hay khu vực hồ Tây thì hợp lý hơn.
Theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TP Hà Nội cần khảo sát, đánh giá một cách khách quan; phải lắng nghe người dân, nghe du khách trong và ngoài nước nói về mặt tốt, mặt chưa tốt để điều chỉnh cho hợp lý.
"Sắp tới, khi mở rộng không gian đi bộ thì chính quyền TP Hà Nội cần đưa ra lộ trình để nâng cấp, quản lý cho tốt. Không thể cứ mở rộng diện tích, không gian ra nhưng lại xem nhẹ việc đầu tư, quản lý. Nếu không làm quyết liệt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không tốt" - kiến trúc sư Ngô Doãn Đức góp ý.
Điểm du lịch, nhà hàng không khói thuốc
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, cho biết trong tháng 10-2019, sẽ có 30 điểm du lịch của quận ký cam kết "Điểm du lịch không khói thuốc". Đó là các điểm du lịch: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Nhà thờ Hàm Long... Ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, thậm chí phạt tiền tại chỗ.
Đến nay, 12 nhà hàng và 11 khách sạn ở quận Hoàn Kiếm đã cam kết không khói thuốc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nang-tam-pho-di-bo-ho-guom-20191005213144341.htm