Nâng tầm quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

Nhân dịp Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, các hiệp định đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, khẳng định lợi ích chung và cam kết của hai bên cùng đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, thương mại tự do và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, các cơ quan Việt Nam và EU đã nỗ lực nhiều trong quá trình đàm phán, thống nhất nội dung các hiệp định, để tiến tới ký kết.

Ðây là quá trình không đơn giản. Thứ nhất, EU phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ quan trọng, như Brexit, bầu cử Nghị viện châu Âu (EP)... Thứ hai, EU có quy định chặt chẽ về thủ tục ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế. EVFTA phải được dịch sang ngôn ngữ của toàn bộ 28 thành viên để các nước tiến hành rà soát nội dung văn kiện. Thứ ba, việc thông qua quyết định ký các hiệp định đòi hỏi sự đồng thuận của phần lớn các nước thành viên.

Với ý nghĩa quan trọng của các Hiệp định EVFTA và EVIPA, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực trao đổi với các cơ quan của EU để thúc đẩy việc sớm ký kết các Hiệp định. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công thương tiến hành công tác vận động chính trị - ngoại giao, trao đổi, làm việc với phía EU để thúc đẩy ký và phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời gian sớm nhất. Nội dung về EVFTA và EVIPA được nêu đậm trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ, trao đổi, làm việc của lãnh đạo các cấp của Việt Nam với lãnh đạo các nước và các cơ quan EU. Thứ trưởng cho rằng, việc các thành viên EU sớm thông qua quyết định ký EVFTA và EVIPA khẳng định EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, hết sức coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện song phương, đồng thời là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan hai bên. Ðây là cơ sở để hai bên tiếp tục hoàn tất tiến trình phê chuẩn để các hiệp định sớm có hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Những hoạt động sôi nổi, ở các tầng nấc khác nhau diễn ra trong sáu tháng đầu năm 2019 là minh chứng rõ nét khẳng định tính toàn diện và sâu rộng của hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”, nhất là Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA, là bước đột phá quan trọng trong hội nhập quốc tế của nước ta. Việc tham gia CPTPP và EVFTA cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời thể hiện sự chủ động tham gia, đóng góp thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế đa phương, mở, dựa trên luật lệ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại, căng thẳng thương mại gia tăng mạnh... Bối cảnh này đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực đồng bộ của các cấp, ngành và toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện với tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế; nâng cao năng lực hội nhập và liên kết kinh tế...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40711402-nang-tam-quan-he-doi-tac-va-hop-tac-toan-dien-viet-nam-eu.html