Nâng tầm sản phẩm từ chương trình OCOP
Dạo một vòng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (khu vực chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai), chúng tôi thấy các mặt hàng ở đây khá phong phú và đều là sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi bị thu hút bởi tên của Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương khi có tới gần chục sản phẩm của đơn vị được bày bán tại đây, nhiều sản phẩm trong số đó đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm về xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng gặp anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương. Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động của đơn vị, anh Mạnh cho biết: Trước đây, gia đình anh mở cơ sở sản xuất một số sản phẩm nông sản, dược liệu với quy mô nhỏ. Để thuận lợi cho hoạt động sản xuất, mở rộng quy mô, tháng 4/2019, Hợp tác xã được thành lập với 7 thành viên.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, đơn vị đặt hàng, liên kết với người dân ở các địa phương trong trồng và bán sản phẩm nông sản, dược liệu thô ban đầu. Mùa nào thứ nấy, các mặt hàng của đơn vị thu mua về rất phong phú trước khi đưa vào sản xuất, sơ chế đóng thành sản phẩm, như nấm hương Sa Pa, củ hoàng sin cô, tam thất, bột/viên hà thủ ô, viên trinh nữ hoàng cung cao xạ đen, bột/viên tinh bột nghệ, bột sắn dây... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu thị trường, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ nghệ để người dân có thêm lựa chọn trong việc tìm sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, hợp tác xã liên kết với người dân trồng, thu mua nghệ với diện tích 15 ha ở một số thôn của xã Gia Phú (Bảo Thắng) và 4 thôn của xã Mường Vi (Bát Xát). Ngoài cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, hợp tác xã thu mua nghệ cho người dân với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg nghệ đen, 6.000 đồng/kg nghệ đỏ. Từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm bận rộn của hợp tác xã, bởi đây cũng là thời điểm người dân tấp nập thu hoạch nghệ.
Nghệ sau khi thu hoạch sẽ được hợp tác xã nhập kho, phân loại, những củ chất lượng tốt được rửa bằng máy quay lồng trước khi ép, lọc bã, vắt tinh bột nghệ liên hoàn. Tiếp đó là công đoạn lắng lọc thủy phân, lọc tinh bột và bỏ sạn. Tinh bột qua lọc sẽ được quạt cho khô rồi sấy, nghiền, lưu kho đóng hộp và xuất bán ra thị trường. Với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự cẩn thận, kỹ lưỡng, hợp tác xã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để giảm tải sức lao động, khép kín quy trình và đảm bảo chất lượng.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, lại thêm sự giúp đỡ của địa phương, bản thân anh Mạnh biết đến chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và xem đây là sân chơi mới mẻ nhưng hiệu quả để hợp tác xã quảng bá, nâng tầm sản phẩm. Vậy là anh tích cực tìm hiểu, học hỏi từ các kênh thông tin, tham gia các buổi tập huấn do xã, huyện tổ chức để nắm rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình, cùng với đó là quy trình, thủ tục, các tiêu chí cần đạt để đơn vị phấn đấu và hoàn thiện.
Đến thời điểm này, Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương là một trong số ít đơn vị lựa chọn hướng đi từ nông sản, dược liệu và có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh. Hiện hợp tác xã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, tinh bột nghệ đen nguyên chất, tinh bột nghệ viên mật ong và tinh bột sắn dây.
Theo tính toán, mỗi năm, đơn vị xuất bán ra thị trường khoảng 3 tấn nghệ (gồm nghệ viên và nghệ bột), 2 tấn bột sắn dây, 2 tấn hà thủ ô... Đây là những sản phẩm thế mạnh, được ưa chuộng trên thị trường. Hiện ngoài việc bày bán sản phẩm tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (khu vực chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai), sản phẩm của đơn vị còn được tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đánh giá về mức tiêu thụ sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP, anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương chia sẻ: Các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh đã đem lại tín hiệu tích cực. Điều này được thể hiện ở lượng tiêu thụ khá hơn thời điểm trước, qua đó, giúp đơn vị bớt khó khăn về tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh việc đặt mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác xã còn quan tâm đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Bởi đơn vị tin rằng, đây là cơ hội để quảng bá, nâng tầm sản phẩm, giúp xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng trong thời buổi thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay.