Nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Bình Dương

Trong bối cảnh hội nhập, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương chú ý nhiều hơn. Với những nỗ lực không ngừng, các DN ngày càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng (NTD) với hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (KCN Đồng An II)

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (KCN Đồng An II)

Bền bỉ xây dựng thương hiệu

Thời gian qua, những nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển của các DN ở Bình Dương đã nhận được đánh giá cao. Nhiều thương hiệu DN ở Bình Dương không ngừng lớn mạnh, được vinh danh và đón nhận của NTD. Đơn cử như trong số 124 DN được Bộ Công thương công nhận là Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2020, Bình Dương có 4 DN. Cụ thể, Công ty TNHH Esquel Garmet Manufacturing Việt Nam nhận giải vàng chất lượng quốc gia; 3 DN gồm Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, Công ty TNHH Cường Phát, Công ty Cổ phần CIC 39 nhận giải thưởng chất lượng quốc gia.

Ông Vũ Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất - Kỹ thuật Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (KCN Đồng An II), cho biết trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam đang tiếp tục phải chống chọi với đại dịch Covid-19, việc xây dựng THQG rất quan trọng, mang tính sống còn với tất cả các DN. Trên thị trường, sức cầu phụ thuộc rất lớn vào thương hiệu. NTD sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn. Bên cạnh đó, THQG sẽ hướng đến mục tiêu tạo ra thương hiệu gắn liền với bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, hiện tại nhiều DN đã hướng đến việc xây dựng THQG gắn với bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn dịch Covid-19 rất nhiều ngành hàng đang phải tạm đóng cửa, NTD thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ không lựa chọn theo nhu cầu mà có thể lựa chọn theo thương hiệu và THQG sẽ là lựa chọn đầu tiên mà NTD hướng tới.

Đối với xuất khẩu, thương hiệu là nền tảng để những nhà nhập khẩu nước ngoài lựa chọn. THQG sẽ trở thành cầu nối để DN bước qua, đi ra thế giới rất nhanh, giúp họ không phải đi đường vòng, không phải đi qua một đơn vị gia công nào nữa mà có thể đi trực tiếp, bằng chính giá trị THQG đã có và được khẳng định. “Giải thưởng chất lượng quốc gia là kết quả của một quá trình đầu tư đúng đắn và lâu dài của Nhựa Tiền Phong phía Nam. Chúng tôi đã tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Máy móc và công nghệ hiện đại, quy trình quản lý hiện đại, con người có năng lực và trình độ cao”, ông Vinh khẳng định.

Trong thời gian qua, ngoài việc mở rộng quy mô nhà máy, nâng công suất lên 60.000 tấn/ năm, Nhựa Tiền Phong phía Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư các dàn máy, thiết bị hiện đại từ châu Âu nhằm mang lại những sản phẩm chất lượng cao. Công ty không ngừng nỗ lực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đón đầu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ngày càng chọn lọc của thị trường, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và an toàn cho NTD.

Nắm bắt cơ hội trong đại dịch

Trong tháng 8 vừa qua, Bình Dương có 5 DN thuộc 5 ngành hàng được công nhận đáp ứng các tiêu chí DN xuất khẩu uy tín năm 2020 do Bộ Công thương phê duyệt. Trong đó, một trong những DN tư nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển xuất khẩu và giữ gìn sự phát triển của ngành gốm sứ tỉnh nhà là Công ty TNHH Phước Dũ Long (TX. Tân Uyên). Bền bỉ trong nhiều năm, ông Vương Siêu Tín đã đưa DN này trở thành đơn vị cung cấp gốm sứ ra nhiều thị trường lớn trên thế giới. Trong dịch bệnh, tại xưởng sản xuất của Công ty Phước Dũ Long công nhân vẫn hối hả làm việc để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác. “Trong hành trình xây dựng thương hiệu, chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm uy tín, chất lượng. Đến nay, sản phẩm của DN đã bán được vào nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Chúng tôi muốn khẳng định với thế giới chất lượng và sản phẩm Việt hoàn toàn có thể đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất, cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu nước ngoài’’, ông Tín cho biết.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 các DN nỗ lực thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng. Đồng thời thường xuyên cập nhật những thị hiếu mới của NTD để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh các kênh kết nối, quảng bá sản phẩm truyền thống lẫn hiện đại. Theo ông Vương Siêu Tín, cùng với việc đầu tư công nghệ, ngành gốm sứ đẩy mạnh, phát triển mảng bán hàng online, đây là kênh mới, tiềm năng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Năm 2021 sản xuất của công ty tăng 20 - 30% so với năm trước.

Ông Vũ Thành Vinh cho rằng mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên trong dịch bệnh cũng là cơ hội để Công ty Nhựa Tiền Phong phía Nam kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, nhằm tìm ra những hướng đi mới hiệu quả và bền vững. Ông Vũ Thành Vinh tin rằng nếu chuẩn bị tốt trong giai đoạn khó khăn thì hậu Covid-19 công ty sẽ có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương): Các DN cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử lớn, DN cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe. Thời gian qua, ngành công thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN địa phương. Nhiều chương trình thực hiện thời gian qua được DN quan tâm như hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học công nghệ; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử… Các giải pháp để hỗ trợ DN địa phương nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh nói chung và xây dựng thương hiệu nói riêng từng bước được đẩy mạnh.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/nang-tam-thuong-hieu-doanh-nghiep-binh-duong-a255980.html