Nâng tầm thương hiệu du lịch Gia Lai
Sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác xúc tiến, quảng bá, thời gian qua, ngành du lịch Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, Gia Lai đang từng bước khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng lâu nay như: Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, núi lửa Chư Đăng Ya, thác Phú Cường, du lịch Gia Lai cũng có nhiều điểm đến mới rất đặc sắc như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… Với sự phong phú về hệ sinh thái cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, đây đang là những điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích loại hình du lịch khám phá. Đến đây, du khách rất thích thú khi được trải nghiệm cảm giác đi dưới tán rừng nguyên sinh, hòa mình vào thiên nhiên, khám phá các loài động thực vật hoang dã hay chinh phục những thác nước hùng vĩ như thác 50, thác 40 (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng); thác Ba tầng, đỉnh đá trắng (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh).
Chị Lê Thị Như Trầm (trú tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Là người rất đam mê du lịch, tôi thường dành những dịp nghỉ lễ để khám phá các vùng đất mới lạ. Tôi đặc biệt ấn tượng với các danh lam thắng cảnh và những nét văn hóa bản địa của Gia Lai. Phong cảnh nơi đây còn rất hoang sơ, khí hậu thì trong lành, mát mẻ. Những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa, nhất là những món ăn truyền thống của họ như: cơm lam, gà nướng, heo nướng... rất ngon, rất lạ. Sắp tới, tôi sẽ thu xếp thời gian quay trở lại để khám phá thêm những điểm du lịch mới cũng như tìm hiểu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này”.
Về phía các doanh nghiệp lữ hành, ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Vietjoy Tourist-cho biết: 3 năm trở lại đây, khi tỉnh Gia Lai đẩy mạnh đầu tư, xúc tiến, quảng bá thì ngành du lịch ngày càng khởi sắc và từng bước khẳng định thương hiệu. Hiện có rất nhiều du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành liên hệ với Công ty để đặt tour tham quan Gia Lai trong thời gian tới. Công ty cũng đã chủ động xây dựng các tour mới lạ như tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc bản địa, khám phá các danh lam thắng cảnh... để quảng bá đến du khách tại các hội chợ, ngày hội du lịch ở các thành phố lớn trong cả nước.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Sở đã tổ chức khảo sát một số điểm đến để đề xuất khai thác phát triển du lịch như: Khu thắng cảnh Biển Hồ kết nối với vườn chè, hoa muồng vàng Bàu Cạn (huyện Chư Prông); khảo sát các điểm đề xuất phát triển du lịch cộng đồng. Sở cũng đã tham gia quảng bá du lịch tỉnh tại Hội chợ Du lịch quốc tế-VITM Hà Nội, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội thi ẩm thực Tây Nguyên tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột; tổ chức thi sáng tác logo, slogan du lịch tỉnh Gia Lai, hội thi ẩm thực và thi ảnh “Sắc màu du lịch Gia Lai 2019”; chương trình “S-Việt Nam” phát sóng 5 tập phim quảng bá du lịch Gia Lai trên VTV1 và VTV4…
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách du lịch đến Gia Lai ước đạt 566.000 lượt, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 67% kế hoạch. Trong đó, khách nội địa đạt 554.700 lượt, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế đạt 11.300 lượt, tăng gần 17%. Tổng doanh thu du lịch đạt 261 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 68% kế hoạch.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá
Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động du lịch tỉnh Gia Lai năm 2019 và Kế hoạch phát triển du lịch cụm các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê giai đoạn 2019-2023; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở còn chỉ đạo biên soạn tài liệu, các câu chuyện liên quan đến sự hình thành các điểm du lịch, các sự tích, truyền thuyết về văn hóa, lịch sử của địa phương để tạo sự hấp dẫn trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án du lịch cộng đồng; tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân tại một số làng: làng Nú (huyện Ia Grai), Pơ Nang (thị xã An Khê), HWay (huyện Đak Pơ), làng Kép 1, Ia Gri (huyện Chư Pah), Plei Rbai, Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Kon Mah Ha (huyện Đak Đoa... để từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Trong những tháng cuối năm, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa-du lịch sẽ được các địa phương trong tỉnh tổ chức. Trong đó đáng chú ý là Ngày hội Hoa muồng vàng (huyện Chư Prông), Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), Tuần lễ cỏ hồng (huyện Đak Đoa). Tỉnh cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 tại TP. Pleiku. “Tôi tin rằng, qua những sự kiện văn hóa-du lịch hết sức thú vị, ý nghĩa này, Gia Lai hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong năm 2019 là thu hút khoảng 840.000 lượt khách du lịch (tăng 25% so với năm 2018), tổng mức doanh thu đạt khoảng 380 tỷ đồng và hướng đến mục tiêu đón 1 triệu lượt khách vào năm 2020. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Gia Lai trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển”-ông Hoàng nhấn mạnh..