'Nàng tiên xanh' của núiKhoan nhặt thoi đưaCõng chữ lên ngànThắp sáng ước mơ của trẻ khuyết tậtNhững người thầm lặng giữ rừng Nặm TrangMùa cấp sắc ở Tân Thành Lâm Bình – Vẻ đẹp kỳ thú

Mùa vàng ruộng bậc thang xã Hồng Thái - điểm tham quan lý thú của du khách. Ảnh: Quang Hòa

Mùa vàng ruộng bậc thang xã Hồng Thái - điểm tham quan lý thú của du khách. Ảnh: Quang Hòa

Những tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao, Tày, Mông tạo nên một Na Hang vừa thơ mộng, lãng mạn, vừa bí ẩn. Na Hang không chỉ được ví như "Hạ Long cạn" mà còn được nhiều du khách ví như "Nàng tiên xanh" của núi...

Tiềm năng lớn chờ khám phá

Huyện Na Hang có diện tích tự nhiên 863,54km2, tài nguyên đất đa dạng, phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái thích hợp với nhiều loại cây trồng. Diện tích mặt nước hồ thủy điện trên 4.500 ha/tổng số 8.000 ha với nhiều điểm nổi tiếng như Thác Mơ, khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả và Khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 22.400 ha. Hệ động vật trong khu bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao, đã ghi nhận được 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài lưỡng cư, trong đó có 13 loài trong sách đỏ Việt Nam, đặc trưng là loài vọc đen má trắng...

Huyện Na Hang đang quy hoạch xây dựng Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả. Ảnh Quang Hòa.

Huyện Na Hang đang quy hoạch xây dựng Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả. Ảnh Quang Hòa.

Na Hang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, khiến bất kỳ ai cũng phải say đắm như núi Pác Tạ, hang Phia Muồn, động Nà Chao, hang Thẳm Pioóng, thác Pác Ban, thị trấn Na Hang, thác Pác Hẩu, xã Sơn Phú. Du khách cũng có thể du lịch tâm linh khi đến một số đền, chùa như đền Pác Tạ, Pác Vãng. Đặc biệt, nếu đến Na Hang mà du khách chưa ghé thăm Làng văn hóa du lịch của người Dao tiền ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, trải nghiệm dịch vụ homestay ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả thì coi như chưa đến Na Hang. Phía Tây của huyện giáp với huyện Lâm Bình nên Na Hang còn có thể phát triển du lịch sinh thái khi phối hợp khai thác Thác Khuổi Nhi, Nặm Me, hang Phia Vài, động Song Long gắn với du lịch lòng hồ thủy điện.

Khám phá và trải nghiệm du lịch sinh thái vừa thơ mộng vừa hung vĩ, du khách còn được khám phá những nét văn hóa đặc sắc ở Na Hang như lễ hội Lồng Tông, Lễ hội giã cốm của người Tày, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống đặc sắc của người Dao đỏ, Dao tiền, người Tày. Những bản sắc văn hóa đặc sắc hòa quyện trọng tình người và cảnh sắc của vùng cao Na Hang càng làm say đắm bắt kỳ ai khi đến nơi đây.

 Lễ hội cốm truyền thống của người Tày Na Hang.

Lễ hội cốm truyền thống của người Tày Na Hang.

Không chỉ mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, Na Hang còn là mảnh đất trù phú với những đặc sản kết tinh từ đất, nước, núi rừng và bàn tay của những con người mến khách mà ai cũng muốn thưởng thức như rượu ngô men lá, chè Shan tuyết Hồng Thái, Sinh Long, chè Kia Tăng xã Hồng Thái. Ngoài ra còn hàng trăm sản phẩm đặc trưng khác như bún vịt Côn Lôn, gạo nếp cái hoa vàng, măng khô, đậu xanh, đậu tương Sinh Long, Yên Hoa, Đà Vị, rau an toàn, dâu tây, lê Hồng Thái, thịt trâu khô, cá sạch Na Hang…

Du lịch trên đà cất cánh

Đảng bộ huyện Na Hang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo tiền đề để xây dựng Na Hang là điểm đến hấp dẫn, nên những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm; sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ. Công tác quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch và cơ hội đầu tư được đẩy mạnh.

Năm 2018, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được Chính phủ xếp hạng là Khu di tích Quốc gia đăc biệt. Hiện nay, huyện đang nỗ lực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Huyện ưu tiên đặc biệt cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch với 22 cơ sở lưu trú du lịch hiện có; bước đầu phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại thôn Nà Khá, xã Năng Khả, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái và thị trấn Na Hang. Hiện nay, toàn huyện có 35 tàu, thuyền vận chuyển khách tham quan lòng hồ thủy điện và 20 nhà hang phục vụ nhu cầu ăn uống.

Du khách lên thuyền tham quan lòng hồ sinh thái Na Hang. Ảnh Quang Hòa

Du khách lên thuyền tham quan lòng hồ sinh thái Na Hang. Ảnh Quang Hòa

Bên cạnh đó, huyện đang hoàn thiện tuyến đường giao thông phân khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung, tiếp tục thi công tuyến đường trục chính nối từ trung tâm xã Hồng Thái và tuyến nhánh từ thôn Pác Khoang tiếp giáp với huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn). Huyện đang hoàn thiện khu vực đón tiếp khách Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang và một số công trình khác như nhà chờ bến thuyền, nhà trung tâm thông tin, cầu treo…

Cấp ủy, chính quyền huyện Na Hang đang quan tâm khai thác thế mạnh trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Một số dự án khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai như: dự án trồng thử nghiệm dâu tây, chăm sóc và phát triển cây lê tại xã Hồng Thái.

Ngoài ra người dân ở các xã Hồng Thái còn được huyện hỗ trợ kinh phí mua giống cây bơ, xoài, hoa Anh Đào Nhật Bản, hoa ban, ngũ sắc để trồng tại xã Hồng Thái, đường lên Khu du lịch Phiêng Bung, Thác Mơ…

Nhằm đa dạng các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, từ năm 2016, huyện đã hỗ trợ nhiều hộ dân tại các xã Sinh Long, Côn Lôn, Yên Hoa, Khâu Tinh, Thượng Nông giống đậu tương, đậu xanh và lúa nếp đặc sản.

Dâu tây đang trở thành sản phẩm nông sản được ưa thích của du khách khi đến Na Hang.

Dâu tây đang trở thành sản phẩm nông sản được ưa thích của du khách khi đến Na Hang.

Hoạt động hợp tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch liên tỉnh, liên vùng được huyện Na Hang đặc biệt chú trọng những năm gần đây. Nhiều lễ hội, nét văn hóa đặc sắc từng bước được sưu tầm, nghiên cứu khôi phục như Lễ hội Giã cốm của dân tộc Tày gắn với liên hoan Hát then, đàn Tính; Lễ hội Cấp sắc, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao; Hội đua mảng ngóc...

Huyện đang tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng quảng trường và nhà văn hóa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục công trình theo hướng hợp khối, tạo những không gian công cộng bảo đảm mỹ quan đô thị; mở rộng đường giao thông, bố trí cây xanh, tạo không gian mở và điểm nhấn cho đô thị.

Du lịch Na Hang ngày càng có nhiều khởi sắc, đem đến những kỳ vọng trong tương lai. Nếu như năm 2016, lượng khách du lịch đến với Na Hang đạt 78.741 lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 62,9 tỷ đồng thì đến 10 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đạt 145.000 lượt, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXI trước 14 tháng; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 115 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Du khách du thuyền trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Quang Hòa

Du khách du thuyền trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Quang Hòa

Thành tựu này của huyện chính là những nỗ lực, xác định đúng hướng đi và thế mạnh của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Na Hang trên chặng đường thực hiện khâu đột phá về phát triển du lịch mà Đảng bộ tỉnh, huyện xác định, xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Thủy Châu
Trình Bày: Hoa Hiên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/nang-tien-xanh-cua-nui-125404.html