Nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Vậy, xếp hạng tín nhiệm quốc gia là gì và việc nâng hạng có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?

Theo các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm quốc gia là hoạt động của một tổ chức chuyên nghiệp độc lập được một nước hoặc vùng lãnh thổ yêu cầu thực hiện nhằm đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của quốc gia đó trong mối tương quan với các nước và khu vực khác trên thế giới. Nghĩa vụ nợ ở đây có thể là nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, bao gồm nợ có bảo lãnh bởi Chính phủ hoặc nợ bằng ngoại tệ của các DN trong nước.

Tại Việt Nam, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm danh tiếng trên thế giới đã thực hiện đánh giá mức độ rủi ro quốc gia Việt Nam từ những năm 1990.

Năm 2005, Chính phủ lần đầu tiên tiếp cận thị trường vốn quốc tế thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ, mà theo thông lệ thì Chính phủ cần phải được ít nhất 2 tổ chức xếp hạng. Vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia trở nên quan trọng bởi mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện khả năng cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế, phản ánh năng lực của quốc gia trong việc thu hút vốn đầu tư.

Cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa đặc biệt. Đầu tiên, đây là vấn đề về uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Sau nữa, kể từ khi Việt Nam gia nhập vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi cũng giảm dần và dự kiến sẽ kết thúc trong tương lai gần. Mặt khác, với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, nếu hoàn thành mục tiêu, Việt Nam có thể gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong thời gian gần.

Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đến việc mở rộng sự tiếp cận thị trường vốn quốc tế, vay thương mại quốc tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược, giúp cải thiện hiệu quả chi phí huy động vốn nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Chính phủ và DN.

Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là chỉ số tham khảo quan trọng, được đánh giá là đáng tin cậy, chuẩn mực và mang tính cập nhật cao mà nhiều tổ chức đầu tư và các nhà đầu tư quốc tế sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm định.

Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài. Về tiêu chí này, Moody’s ghi nhận, Việt Nam tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.

Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện. Điều này cũng cho thấy xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-co-y-nghia-the-nao-voi-viet-nam.html