Náo nức chờ ngày hội đua ghe Ngo Sóc Trăng
Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 11-11, gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao sôi nổi. Đây là lần thứ 4 tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ hội.
Điểm nhấn của Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 4 năm 2019 chính là giải Đua ghe ngo với 2 nội dung thi đấu 1.000m đối với nữ và 1.200m đối với nam, diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-11.
Đến nay, đã có trên 40 đội ghe Ngo nam và 7 đội ghe Ngo nữ đăng ký tham gia tranh tài. Trong đó, ngoài tỉnh có 9 đội đến từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang. Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó Ban tổ chức cho biết, tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2019, cơ bản đã được thực hiện một cách chu đáo mọi mặt; vận động xã hội hóa các nguồn lực từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức lễ hội nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.
Đến thời điểm này, toàn bộ nguồn kinh phí để tổ chức Lễ hội đều được đảm bảo từ nguồn vận động tài trợ. Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng tổ chức, duy trì hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung. Qua lễ hội, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất và con người Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động Hội chợ triển lãm thương mại, du lịch và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP; giải bi sắt vô địch đồng đội toàn quốc; ẩm thực đường phố; triển lãm ảnh nghệ thuật và triển lãm ảnh chuyên đề “Sóc Trăng xưa và nay”; Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù kê khu vực ĐBSCL với tổng kinh phí tổ chức lễ hội dự kiến trên 5,3 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho ngày khai hội, các đội ghe Ngo cả nam lẫn nữ ở các địa phương đang tích cực tập luyện với mong muốn đạt được thành tích cao. Theo ông Ngô Hùng, năm nay, nhiều địa phương tổ chức thành lập các đội ghe, đóng ghe mới, dành nhiều thời gian tập luyện cả về thể lực và kỹ thuật cho các tay đua trước khi chính thức bước vào thi đấu. Có nơi còn tổ chức giải đua giữa các đội để các tay đua có điều kiện tập luyện tốt hơn.
Để động viên các đội ghe Ngo đạt thứ hạng cao, tỉnh Sóc Trăng đã vận động tài trợ trên 1 tỷ đồng để trao giải thưởng. Trong đó, đội nam vô địch được thưởng 200 triệu (nhì 150 triệu, ba 100 triệu, tư 80 triệu), nữ vô địch 150 triệu đồng (nhì 100 triệu, ba 80 triệu, tư 50 triệu).
Tiền thưởng năm nay cao hơn so với các năm trước. Ngoài ra, Ban tổ chức còn thưởng từ 2 - 8 triệu đồng cho các đội nhất, nhì của mỗi bảng và thắng cuộc ở mỗi vòng loại trực tiếp đối phương cho đến tứ kết, bán kết.