Năm 2015, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) có tổng vốn đầu tư hơn 37 tỷ đồng.
Theo người dân địa phương, suốt 5 năm qua, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Lập nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn ở cửa biển Tam Quan để bán nhưng luồng lạch liên tục bị bồi lấp.
"Doanh nghiệp sử dụng sà lan, ống hút nhỏ, nạo vét bùn cát ở cửa biển Tam Quan không đúng vị trí nên tàu thuyền ra, vào cửa biển này thường xuyên bị mắc cạn", ông Trần Nên (phường Tam Quan Bắc) cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH Tân Lập cho rằng người dân chưa hiểu đúng nguyên tắc nạo vét cửa biển Tam Quan. Theo vị này, việc nạo vét chỉ đủ để tàu thuyền ra vào, nếu đưa máy móc công suất lớn để hút sẽ gây ra tình trạng sập đê, sạt lở tuyến kè. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng gửi văn bản khuyến cáo Bình Định hút cát cầm chừng để bảo vệ đê.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, xác nhận UBND tỉnh từng chỉ định Công ty TNHH Tân Lập thi công nạo vét cửa biển Tam Quan. Tỉnh cũng chi khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống lụt bão của Trung ương hỗ trợ để thực hiện dự án nhưng cửa biển vẫn còn bồi lấp. Ảnh chụp "núi cát" được tích trữ gần sát khu dân cư.
"Sau khi người dân phản ánh, địa phương yêu cầu phường Tam Quan Bắc tổ chức cắm mốc lại vị trí hút cát và rà soát công việc của tổ giám sát. Nếu phát hiện cán bộ, doanh nghiệp có sai phạm, địa phương sẽ xử lý nghiêm. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công giải phóng ngay núi cát ra khỏi khu vực khu dân cư tránh ảnh hưởng cuộc sống người dân", Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn nói.
Lượng cát hút lên nhiều, trong khi mặt bằng bãi trữ nhỏ. "Ba ngày trước, trẻ em chơi đùa bên cạnh núi cát này có một cháu bị cát vùi lấp. Rất may người dân phát hiện, giải cứu kịp thời", ông Nguyễn Hành (ngụ phường Tam Quan Bắc) kể.
Ngoài nạo vét thông luồng, Công ty TNHH Tân Lập còn trúng thầu xây dựng kè chống sạt lở ven biển phường Tam Quan Bắc. Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định phát hiện doanh nghiệp này vướng nhiều sai phạm. Kè biển Tam Quan dài gần 2,4 km có vốn gần 80 tỷ đồng hoàn thành vào tháng 9/2016. Vài tháng sau, đoạn kè dài 250 m mới đưa vào sử dụng đã bị sóng đánh sập.
Năm 2017, UBND tỉnh Bình Định bổ sung gần 10 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tình trạng kè bị sạt lở. Tuy nhiên, nhiều trận bão từ năm 2017 đến nay kết hợp với triều cường xâm thực đã gây gây sạt lở nghiêm trọng cho công trình này.
Theo kết luận của UBND tỉnh Bình Định, đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm nên chọn phương án tuyến chưa hợp lý, kết cấu thân kè, chân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển… Công ty TNHH Tân Lập tự thay đổi biện pháp thi công nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế. Đơn vị giám sát không giám sát, lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công. Kè biển sạt lở nặng kéo dài nhưng đến nay công trình vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục.
Minh Hoàng