Naruto: Nhu Quyền và 8 chiêu thức cực mạnh của gia tộc Hyuga

Nhu Quyền của gia tộc Hyuga là 1 trong những bộ pháp thể thuật mạnh nhất trong Naruto. Vậy trường phái này gồm những bí kỹ, chiêu thức nguy hiểm nào?

Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểm về căn nguyên và nguyên lý của thể thuật Nhu Quyền. Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về các chiêu thức vang danh thiên hạ của trường phái võ thuật này nhé.

1. Hakkeshou Kaiten – Bát Quái Hồi Thiên Chưởng

Bát Quái Hồi Thiên Chưởng là thể thuật bí mật chỉ truyền cho Tông gia nhà Hyuga, và có thể coi nó là 1 chiêu thức thể thuật cấp cao của trường phái Nhu Quyền. Hồi Thiên là 1 đòn phòng thủ, sử dụng lợi thế tầm nhìn 360 độ của Bạch Nhãn nhằm nhìn thấu mọi đòn tấn công từ nhiều hướng; đồng thời bù cho khiếm khuyết về điểm mù của nó (Bạch Nhãn có điểm mù nhỏ ở phía sau cổ ở trên đốt sống ngực thứ 3).

Hồi Thiên dựa theo nguyên lý phóng chakra từ mọi lỗ chakra trên toàn cơ thể. Ngay trước khi đòn tấn công đến gần, người thi triển giải phóng một lượng chakra lớn từ tenketsu (huyệt đạo) ra ngoài cơ thể, sau đó dùng 1 chân làm trụ và xoay vòng tròn với tốc độ cao để chakra tạo thành lốc xoáy đánh bật lại hầu hết các đòn tấn công. Nói cách khác, đây chính là bí kĩ phòng thủ tuyệt đối của gia tộc này.

Bát Quái Hồi Thiên Chưởng

Hồi Thiên tuy có phạm vi nhất định, nhưng nếu tu luyện thêm thì nó có thể mở rộng phạm vi ra, trở thành 1 đòn tấn công hữu hiệu để thổi bay đối phương. Tấn công chính là phòng thủ, phòng thủ chính là tấn công – là đẳng cấp mà Hyuga Hiashi đã đạt được.

2. Hakke Kuushou – Bát Quái Không Chưởng

Bát Quái Không Chưởng là chiêu thức thể thuật cơ bản của bộ pháp Nhu Quyền. Bằng cách xác định điểm trọng yếu trên cơ thể địch bằng Bạch Nhãn, người thi triển sau đó sẽ nén chakra vào lòng bàn tay rồi bất ngờ tung chưởng. Chưởng khí sau khi trúng đối phương, không chỉ thổi bay hắn khiến hắn không kịp định thần, mà còn đả thương cả huyệt đạo trên cơ thể hắn.

Bát Quái Không Chưởng

3. Hakke Hasangeki – Bát Quái Thủ Phá Sơn

Bát Quái Thủ Phá Sơn là 1 biến thể mạnh hơn của Bát Quái Không Chưởng, với việc dồn chakra lớn hơn rất nhiều, có thể là dồn toàn bộ công lực vào 1 chiêu duy nhất. Tuy nhiên, khác với Bát Quái Không Chưởng là chiêu thức để công kích từ xa (khoảng từ 5 mét đến 10 mét), Bát Quái Thủ Phá Sơn lại chú trọng việc tấn công ở cự ly gần (xa khoảng 5 mét) nhằm lực công kích có thể mạnh đến mức tối đa.

Đối thủ khi trúng đòn sẽ bị sức ép đánh bật về phía sau, có thể bị va đập mạnh vào vách đá hoặc nền đất, đồng thời toàn bộ huyệt đạo trong cơ thể bị tổn thương dẫn đến mất khả năng kiểm soát chakra, đồng nghĩa với chết hoặc bị thương nặng.

Bát Quái Thủ Phá Sơn

4. Hakke Rokujuuyonshou – Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng

Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng là bí kĩ bá đạo nhất của trường phái nhà Hyuga, được sáng chế bởi tông gia.

Với tầm nhìn 360 độ của Bạch Nhãn, người thi triển hình dung ra 1 vòng tròn Bát Quái lấy chính mình làm tâm. Khi địch nhân đứng trong phạm vi vòng bát quái này, họ sẽ phải hứng trọn tất cả các cú đánh liên tiếp của người thi triển. Với Bạch Nhãn, người thi triển có thể nhìn thấy dòng chakra chuyển động trong thân thể đối thủ và dùng Nhu Quyền đánh trực tiếp vào 64 điểm huyệt đạo trọng yếu.

Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng

Chiêu thức này bao gồm 6 thức với tốc độ ngày càng tăng dần, bắt đầu bằng cú đánh vào 2 điểm cùng lúc, sau đó là 4, 8, 16 và cuối cùng là 32 điểm cùng 1 lúc. Khi đánh trúng 64 điểm thì hệ thống chakra trong người đối thủ bị tổn thương nghiêm trọng, tạm thời ngưng trệ việc tuần hoàn chakra, mất đi khả năng dùng nhẫn thuật, thậm chí có thể chết ngay lập tức.

5. Hakke Sanjuunishou – Bát Quái Tam Thập Nhị Chưởng

Bát Quái Tam Thập Nhị Chưởng là 1 phiên bản giảm 1 nửa thức của Lục Thập Tứ Chưởng, tức dùng để công kích 32 điểm huyệt đạo nhằm loại bỏ khả năng vận chakra của địch.

Xét theo tính chiến thuật, chiêu này cũng có hiệu quả rất tốt. Nó dành cho những người vừa muốn kết thúc chiêu số thật nhanh để có thể sử dụng 1 chiêu khác phù hợp hơn, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn có thể khống chế địch nhân. Thậm chí, trong tiểu thuyết Itachi Shinden, nó có thể rút gọn thêm 1 nửa nữa, thành chiêu Hakke Juurokushou (Bát Quái Thập Lục Chưởng) với việc công kích 16 điểm huyệt đạo.

Bát Quái Tam Thập Nhị Chưởng

6. Hakke Hyakunijuuhachishou – Bát Quái Nhất Bách Nhị Thập Bát Chưởng

Bát Quái Nhất Bách Nhị Thập Bát Chưởng là phiên bản cải tiến của Lục Thập Bát Chưởng, do Hyuga Neji sáng tạo ra. Về mặt cơ bản, chiêu thức này là phiên bản nhân đôi số điểm huyệt đạo cần công kích, lên tới 128 điểm với tốc độ gấp đôi.

Bắt đầu bằng cú đánh vào 2 điểm cùng lúc, sau đó là 4, 8, 16, 32 để hoàn tất 64 điểm và cuối cùng là 64 điểm khác cùng 1 lúc. Với tốc độ nhanh và số lượng đòn công kích gấp đôi, chiêu thức này có thể tấn công nhiều địch nhân trong phạm vi hoặc dồn toàn bộ lên cơ thể 1 người.

Chiêu này có thể công kích đa mục tiêu

7. Shugo Hakke Rokujuuyonshou – Thủ Hộ Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng

Thủ Hộ Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng là chiêu thức mà Hyuga Hinata đã sáng tạo ra, khi cô miệt mài tập luyện mỗi ngày bên thác nước. Với việc kết hợp Hồi Thiên Chưởng và Lục Thập Tứ Chưởng, đây chính là chiêu thức đỉnh cao công thủ hợp nhất.

Hinata phát chakra từ bàn tay của cô ra và di chuyển tay tạo thành một mạng lưới chakra hình cầu bao bọc xung quanh cơ thể. Trong khi mạng lưới chakra hình thành, Hinata lại định hình chúng thành những lưỡi kiếm mỏng, sắc bén, linh hoạt có khả năng cắt cả những vật nhỏ như ong muốn thâm nhập vào phạm vi đó, thành từng mảnh nhỏ.

Thủ Hộ Bát Quái Lục Thập Tứ Chưởng

Không chỉ vậy, cô còn có thể tăng cường phạm vi của nó bằng cách tăng cường lượng chakra, đồng thời tăng tốc độ di chuyển tay. Vừa có thể tấn công lại có thể phòng thủ trước số lượng địch nhân lớn hơn.

8. Juuho Soushiken – Nhu Bộ Song Sư Quyền

Nhu Bộ Song Sư Quyền là bí kĩ cấp cao chỉ truyền dạy cho thành viên Tông gia.

Sau khi tập trung chakra vào hai nắm đấm, Hinata sẽ tiến tới đối thủ bằng những bước chân xoay tròn để vừa tránh đòn tấn công mình vừa có thể tiếp cận đối thủ. Khi tiếp cận thành công, người thi triển sẽ giải phóng chakra ra và định hình thành hình đầu 2 con sư tử. Điều này đòi hỏi khả năng kiểm soát chakra phải rất tốt, ngay với cả 1 thành viên của gia tộc Hyuga.

Nhu Bộ Song Sư Quyền

Với phạm vi và sức hủy diệt được tăng cường, chiêu thức này có thể kết hợp cùng những chiêu thức công kích như Lục Thập Tứ Chưởng, hay Bát Quái Không Chưởng nhằm phóng 2 đầu sư tử để tấn công tầm xa.

Yasha

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/naruto-nhu-quyen-va-8-chieu-thuc-cuc-manh-cua-gia-toc-hyuga-7630177.html