NASA ấn định ngày trở về của tàu Starliner, nhưng không đem theo phi hành đoàn

Sau 12 tuần 'mắc kẹt' trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), tàu vũ trụ Starliner của tập đoàn Boeing cuối cùng cũng được lên lịch trở về nhà vào ngày 6/9, song lần này sẽ không chở theo hai phi hành gia đã đưa lên không gian trước đó.

Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner rời bệ phóng tại trạm vũ trụ ở Florida, Mỹ ngày 19/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner rời bệ phóng tại trạm vũ trụ ở Florida, Mỹ ngày 19/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một thông báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 29/8, tàu vũ trụ gặp sự cố này sẽ tách khỏi ISS vào khoảng 6 giờ tối và mất khoảng 6 giờ để trở về nhà, dự kiến hạ cánh vào khoảng nửa đêm tại Cảng vũ trụ White Sands bang New Mexico.

Hai phi hành gia đến trạm vũ trụ ISS bằng tàu Starliner vào ngày 5/6, gồm Butch Wilmore và Suni Williams, sẽ ở lại phòng thí nghiệm trên ISS.

Ngày 24/8, NASA thông báo các chuyên gia phát hiện những vấn đề liên quan đến rò rỉ khí và hệ thống đẩy của tàu Starliner, khiến cơ quan này xác định tàu vũ trụ không đủ an toàn để hoàn thành nhiệm vụ trở về Trái Đất mang theo phi hành đoàn trên tàu.

"Tàu vũ trụ Starliner không có người lái sẽ thực hiện việc quay trở lại hoàn toàn tự động với các bộ điều khiển chuyến bay tại Trung tâm điều khiển nhiệm vụ Starliner ở Houston và tại Trung tâm điều khiển nhiệm vụ Boeing ở Florida. Các nhóm vận hành trên mặt đất có thể điều khiển tàu vũ trụ từ xa nếu cần thông qua các thao tác cần thiết để tách rời và hạ cánh an toàn bằng dù ở Tây Nam nước Mỹ”, thông báo của NASA nêu rõ.

Việc Starliner có thành công trở về Trái Đất hay không sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai toàn bộ chương trình phát triển tàu vũ trụ của Boeing.

Nếu Starliner gặp sự cố hoặc NASA quyết định không chứng nhận tàu an toàn cho các chuyến bay có người lái vào quỹ đạo thì đây sẽ là một đòn giáng thêm vào danh tiếng vốn đã bị tổn hại của Boeing.

Việc lặp lại các chuyến bay thử nghiệm có thể khiến Boeing thiệt hại hàng triệu USD, ngoài khoản lỗ khoảng 1,5 tỷ USD trước đó mà công ty đã phải gánh khi triển khai chương trình Starliner.

“Tất cả chúng tôi thực sự muốn hoàn thành chuyến bay thử nghiệm Boeing Starliner có phi hành đoàn, và tất cả chúng tôi đều thất vọng vì không thể làm được điều đó”, Ken Bowersox, quản trị viên phụ trách Ban giám đốc nhiệm vụ hoạt động không gian của NASA, cho biết vào tuần trước.

Ngay cả khi chuyến bay trở về không người lái của Starliner diễn ra tốt đẹp, NASA vẫn phải đối mặt với quyết định quan trọng về việc có cấp chứng nhận bay cho tàu vũ trụ này hay không, vì nó đã không hoàn thành nhiệm vụ như dự định.

Trong suốt nhiều tuần các kỹ sư trên mặt đất làm việc để tìm hiểu những lỗi về động cơ đẩy và rò rỉ đang gây ảnh hưởng đến Starliner, Boeing vẫn khẳng định rằng họ tin rằng phương tiện này sẽ an toàn để đưa hai phi hành gia Williams và Wilmore trở về nhà.

Trong một tuyên bố ngày 24/8, Boeing cho biết ưu tiên trước hết và quan trọng nhất là sự an toàn của phi hành đoàn và tàu vũ trụ.

Dự kiến hai phi hành Williams và Wilmore sẽ bay về nhà trên tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon trong tháng 2 năm sau. Tàu vũ trụ Crew Dragon đã được NASA chứng nhận để thực hiện các nhiệm vụ của phi hành gia trong 4 năm trở lại đây và đã thực hiện khoảng một chục chuyến bay có người lái lên quỹ đạo.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nasa-an-dinh-ngay-tro-ve-cua-tau-starliner-nhung-khong-dem-theo-phi-hanh-doan-20240830100150709.htm