NASA cảnh báo chính quyền Mỹ về trạm không gian Trung Quốc
Giám đốc NASA đưa ra lời cảnh báo cho chính quyền Mỹ về chiến lược cạnh tranh hiện diện ngoài không gian khi Trung Quốc chuẩn bị đưa trạm không gian quốc tế của nước này vào hoạt động.
Giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine hôm 23-9 đã cảnh báo chính quyền Mỹ về chiến lược duy trì sự hiện diện ngoài không gian khi Trung Quốc chuẩn bị đưa trạm không gian quốc tế của mình vào hoạt động.
Theo ông Bridenstine, việc duy trì vị thế của Mỹ ở ngoài không gian là rất quan trọng khi Bắc Kinh đang lên kế hoạch để đưa vào hoạt động trạm không gian quốc tế của nước này vào năm 2022.
Chính quyền Trung Quốc vào tháng 6 thông báo nước này đang hợp tác với 23 đơn vị của 17 quốc gia bao gồm Pháp, Đức và Nhật Bản cũng như Kenya và Peru để thực hiện các thí nghiệm khoa học cần thiết cho dự án trạm không gian có tên gọi Tiangong (nghĩa là Cung điện Thiên đàng).
"Trung Quốc đang xây dựng cái mà họ gọi là Trạm không gian quốc tế Trung Quốc và quảng bá rầm rộ cho toàn bộ đối tác quốc tế của chúng ta ngoài không gian. Đó sẽ làm một thảm họa nếu chúng ta từ bỏ sự hiện diện ngoài quỹ đạo và nhượng lại khu vực này cho Bắc Kinh" - ông Bridenstine nói.
Giám đốc điều hành NASA khẳng định Washington cần tài trợ thêm vốn để phát triển thêm trạm vũ trụ vì những tiềm năng to lớn về khoa học mà Trạm không gian quốc tế (ISS) của Mỹ đem lại.
“Tôi sẽ nói với bạn một điều khiến tôi rất quan tâm, đó là ngày mà trạm không gian của chúng ta kết thúc vòng đời hữu ích của nó. Để có thể bảo đảm sự hiện diện của Mỹ ngoài vũ trụ, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những gì xảy ra tiếp theo” - ông Bridenstine nói.
Nhằm đạt được mục tiêu này, NASA đã đề nghị chính quyền Washington chi 150 triệu USD vào năm 2021 để giúp phát triển trạm vũ trụ ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cách bề mặt hành tinh từ 2,000km trở xuống.
Kế hoạch xây dựng trạm ISS của Mỹ được khởi động vào năm 1998 và bắt đầu chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2000, theo hãng tin Channel News Asia.
ISS được xem như một phòng thí nghiệm khoa học vũ trụ, với sự hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, các quốc gia Châu Âu và Canada. ISS dự kiến sẽ tiếp tục vận hành cho đến năm 2030.