NASA chậm chân trở lại Mặt trăng

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa ra thông báo về việc không thể đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024 như dự kiến. Thay vào đó, kế hoạch sẽ bị lùi lại và không thể diễn ra sớm hơn năm 2025.

Những thay đổi về lịch trình khiến việc khởi động Artemis II bị trì hoãn đến tháng 5/2024.

Những thay đổi về lịch trình khiến việc khởi động Artemis II bị trì hoãn đến tháng 5/2024.

Kế hoạch chậm trễ

Trước đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đặt mục tiêu đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng vào năm 2024 trong chương trình Artemis. Tuy nhiên, chương trình bị trì hoãn trong nhiều khâu, từ trang phục không gian cho đến phi thuyền.

NASA đã bị Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos kiện, sau khi Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk giành được hợp đồng chế tạo thiết bị hạ cánh xuống Mặt trăng trong chương trình.

“Chúng tôi đã mất gần bảy tháng trong các vụ kiện tụng và điều đó có khả năng đã khiến kế hoạch hạ cánh của con người lên Mặt trăng không thể sớm hơn năm 2025”, Giám đốc NASA - ông Bill Nelson, cho biết.

Cũng theo ông Nelson, khả năng cao là Trung Quốc có thể đưa người lên Mặt trăng trước khi các phi hành gia Mỹ trở lại. Vụ kiện tụng với Blue Origin bắt nguồn từ sự lựa chọn của NASA trong năm nay. Cụ thể, tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk đều muốn công ty của họ trở thành trung tâm trong kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng.

Tuy nhiên, NASA chỉ có đủ kinh phí cho một trong số họ. Cuối cùng, NASA đã quyết định lựa chọn công ty SpaceX của Elon Musk. Trong khi đó, Blue Orgin của tỷ phú Jeff Bezos phản đối quyết định này vì cho rằng, NASA ưu ái SpaceX.

Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến sự chậm trễ kế hoạch bao gồm việc thiếu kinh phí phát triển hệ thống hạ cánh. Để đáp ứng các mục tiêu của chương trình Artemis, ông Bill Nelson cho biết, cần có một số thay đổi bao gồm sự cần thiết trong việc tăng đáng kể nguồn tài trợ. Mới đây, Tòa án Liên bang tuyên bố đã đưa ra phán quyết có lợi cho NASA. Điều đó có nghĩa là tiến trình của chương trình Artemis có thể tiếp tục.

Trong quá trình kiện, NASA được yêu cầu không có bất kỳ liên hệ nào với SpaceX liên quan đến việc phát triển hệ thống hạ cánh cho các phi hành gia Artemis. Tuy nhiên, SpaceX đã tiếp tục phát triển tàu đổ bộ của riêng họ mà không có bất kỳ khoản thanh toán nào từ NASA.

Mức kinh phí lớn hơn

Kế hoạch hạ cánh của con người lên Mặt trăng không thể sớm hơn năm 2025.

Kế hoạch hạ cánh của con người lên Mặt trăng không thể sớm hơn năm 2025.

Để đáp ứng các mục tiêu của chương trình Artemis, Giám đốc Nelson đã công bố một số thay đổi, bao gồm sự cần thiết phải tăng đáng kể nguồn tài trợ, bắt đầu từ ngân sách năm 2023.

Ngân sách sẽ đặt nền móng cho hơn 10 lần đổ bộ lên Mặt trăng trong tương lai. Ông Nelson cũng chia sẻ, NASA cần chi phí phát triển nâng cấp tàu vũ trụ Orion là 9,3 tỷ USD, tăng từ 6,7 tỷ USD ban đầu trong năm 2012.

Bộ đôi Orion-SLS sẽ thực hiện sứ mệnh đầu tiên trong chương trình - sứ mệnh Artemis I, chuyến bay không người lái quanh Mặt trăng. Artemis I cũng sẽ mang theo 10 vệ tinh nhỏ trong hành trình tới vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

Những vệ tinh này thực hiện nhiều nhiệm vụ sau khi triển khai từ tàu vũ trụ Orion. Ví dụ, vệ tinh BioSentinel sẽ nghiên cứu tác động của bức xạ không gian sâu lên ADN của nấm men.

Trong khi đó, Near-Earth Asteroid Scout tiếp cận một tảng đá không gian bằng cách dùng cánh buồm Mặt trời. Sau đó, Artemis II sẽ là phi hành đoàn bay ngang qua Mặt trăng và Artemis III sẽ đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng ở cực Nam.

Mốc thời gian cho các lần khởi động nhiệm vụ tiếp theo phụ thuộc vào Artemis I. Ông Nelson cho biết, những thay đổi về lịch trình cũng sẽ dẫn đến việc khởi động Artemis II bị trì hoãn đến tháng 5/2024.

Trước đó, Artemis II được lên lịch phóng vào tháng 4/2023. Giám đốc NASA cũng tiết lộ, cuộc hạ cánh có phi hành đoàn sẽ được thực hiện trước cuộc hạ cánh không người lái lên Mặt trăng. Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian cụ thể.

Ông Jim Free - Giám đốc phụ trách Phát triển Hệ thống Thăm dò tại NASA cho biết: “Chúng tôi đang họp với SpaceX để tìm hiểu tác động của sự chậm trễ đối với toàn bộ lịch trình phát triển”.

“Chương trình tham vọng”

Bước tiếp theo của Artemis là đưa con người lên sao Hỏa. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) muốn tìm kiếm các ứng cử viên sẵn sàng sống 1 năm trong môi trường sao Hỏa giả định. Cụ thể, những tình nguyện viên được trả lương sẽ tham gia một sứ mệnh khám phá sao Hỏa giả định và được kết thúc bằng chuyến đi bộ ngoài không gian giả định. Họ phải hạn chế liên lạc với gia đình và bạn bè, cũng như học cách đương đầu với những nguồn tài nguyên giới hạn, trục trặc kỹ thuật.

Chuyến bay đầu tiên của Artemis I sẽ giúp phi hành đoàn hiểu được tàu vũ trụ hoạt động như thế nào. Bài học kinh nghiệm từ Artemis I có thể giúp NASA đưa ra những thay đổi trong những chuyến bay sau.

Trong khi đó, với sứ mệnh Artemis II, NASA yêu cầu bổ sung tất cả các thành phần cho phép Orion chở phi hành đoàn một cách an toàn, bao gồm cả hệ thống hỗ trợ sự sống. Artemis III sẽ cần hạ cánh xuống Trạm vũ trụ Mặt trăng Gateway. Trạm này hoạt động như một ngôi nhà giữa Trái đất và Mặt trăng.

Đồng thời, đóng vai trò là nơi trú ẩn, giúp các chuyến bay lên Mặt trăng hiệu quả hơn và cung cấp bệ phóng cho các nhiệm vụ tiến xa hơn vào Hệ Mặt trời. Sau đó, hệ thống hạ cánh sẽ đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng.

Giám đốc NASA thừa nhận, Artemis là một chương trình đầy tham vọng, tương tự như Apollo, nhưng quy mô lớn hơn nhiều.

“Các sứ mệnh của Artemis sẽ biến khoa học viễn tưởng thành khoa học thực tế”, Chúng tôi sẽ tạo ra những khám phá mới. Chúng tôi sẽ cải tiến công nghệ và sẽ học cách sống cũng như làm việc trên một thế giới khác.

Chúng tôi sẽ luôn làm điều này và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo của các nhà khoa học, kỹ sư, nhà thám hiểm và các chuyên gia STEM khác”, ông Nelson nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nasa-cham-chan-tro-lai-mat-trang-ylmhWyh7R.html