NASA chuẩn bị khám phá hành tinh toàn vàng, vượt qua giá trị nền kinh tế của Trái Đất

Sau nhiều lần trì hoãn, vào tháng 10/2023, NASA dự định sẽ phóng tàu vũ trụ tới tiểu hành tinh chứa nhiều kim loại quý khổng lồ, với ước tính khoảng 10 tỷ tỷ USD.

Tiểu hành tinh bí ẩn này là 16 Psyche. Đây là tiểu hành tinh khổng lồ nằm trong Vành đai Tiểu hành tinh. Theo NASA, 16 Psyche là tiểu hành tinh chiếm tới 1% khối lượng của toàn bộ vành đai, và được suy đoán là lõi của một hành tinh cổ đại. Thế nhưng kích thước của 16 Psyche lại không phải là điều khiến cho các nhà khoa học hứng thú nhất. Thay vào đó, họ quan tâm tới lượng kim loại dồi dào cũng như nguồn gốc của tiểu hành tinh này.

Các chuyên gia cho biết, 16 Psyche được cho là có chứa nhiều kim loại như sắt, niken, vàng, với trị giá ước tính lên tới 10 tỷ tỷ USD. Con số này thậm chí còn vượt qua giá trị của toàn bộ nền kinh tế trên Trái Đất.

Trên thực tế, tàu vũ trụ Psyche của NASA ban đầu dự kiến phóng vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, do tàu vũ trụ này gặp phải sự cố kéo dài với phần mềm bay nên NASA đã bỏ lỡ thời gian phóng thích hợp vào ngày 11/10 vừa qua.

Tiểu hành tinh 16 Psyche có chứa nhiều kim loại quý. Ảnh: NASA

Tiểu hành tinh 16 Psyche có chứa nhiều kim loại quý. Ảnh: NASA

Mới đây, sau khi trải qua một qua cuộc đánh giá độc lập để xác định xem có nên loại bỏ nhiệm vụ hay không, NASA đã chính thức thông báo rằng chuyến bay tới tiểu hành tinh 16 Psyche vẫn sẽ được diễn ra. Dự kiến tàu vũ trụ này sẽ được phóng lên nhờ tên lửa Falcon Heavy của SpaceX và sớm nhất là vào ngày 10/10/2023.

Bà Laurie Leshin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết: "Tôi vô cùng tự hào về nhóm Psyche. Trong cuộc đánh giá lần này, nhóm dự án đã chứng minh về những bước tiến đáng kể đã đạt được đối với vụ phóng trong tương lai. Tôi tin tưởng vào kế hoạch sẽ tiến triển và hào hứng trước giá trị khoa học độc đáo và quan trọng mà nhiệm vụ này sẽ mang lại".

Mặc dù ngày phóng chỉ bị lùi lại một năm, nhưng thời điểm mà con tàu vũ trụ của NASA tới được tiểu hành tinh 16 Psyche sẽ dự kiến lùi lại tới 3 năm là năm 2029, thay vì năm 2026. Nguyên nhân là do phải chờ một cơ hội khác để tận dụng lực hấp dẫn của sao Hỏa ở trên đường đi.

Theo NASA, sau khi đến nơi, tàu vũ trụ Psyche sẽ bay quanh 16 Psyche và thăm dò tiểu hành tinh này bằng một loạt các thiết bị khoa học, bao gồm máy ảnh đa phổ, phổ kế neutron và tia gamma, một từ kế.

Sau khi phóng tàu vũ trụ, các nhà khoa học NASA hy vọng sẽ xác định được liệu tiểu hành tinh này có thực sự là lõi của một hành tinh cổ đại hay không. Nếu đúng như vậy, đây có thể sẽ là một cơ hội vô giá giúp các chuyên gia tìm hiểu bên trong của các hành tinh đất đá giống như Trái Đất của chúng ta.

Tiểu hành tinh bí ẩn toàn kim loại quý

Tiểu hành tinh Psyche 16 được phát hiện lần đầu vào năm 1852 nhờ nhà thiên văn học người Italy Annibale de Gasparis. Các chuyên gia cho rằng Psyche 16 là dấu tích của một phôi hành tinh lớn bị phá hủy bởi những cuộc va chạm mạnh khi hệ Mặt Trời đang hình thành.

Việc khám phá Psyche 16 rất quan trọng bởi tiểu hành tinh này có thể giúp các nhà khoa học biết được về sự hình thành của lõi Trái Đất cũng như lõi của các hành tinh khác.

Hình ảnh mô phỏng về tàu vũ trụ Psyche của NASA bay tới tiểu hành tinh 16 Psyche. Ảnh: NASA

Hình ảnh mô phỏng về tàu vũ trụ Psyche của NASA bay tới tiểu hành tinh 16 Psyche. Ảnh: NASA

Tiểu hành tinh 16 Psyche có chiều rộng khoảng 225 km. Đây là tiểu hành tinh có kích thước lớn nhất trong số các tiểu hành tinh loại M (lớp tiểu hành tinh được cho là giàu kim loại). Ngoài vàng, sắt, niken, tiểu hành tinh này còn chứa nhiều kim loại hiếm khác như bạch kim và đồng.

Nhà khoa học hành tinh Lindy Elkins-Tanton, đồng thời là người dẫn đầu nhiệm vụ Psyche của NASA, cho biết: "Chúng tôi muốn giải đáp những câu hỏi cơ bản về vật liệu tạo ra các hành tinh. Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi và chưa có nhiều câu trả lời. Do đó, đây là cuộc thăm dò thực sự".

Theo kế hoạch, sau khi đến 16 Psyche, tàu vũ trụ của NASA sẽ dành 21 tháng để lập bản đồ và tiến hành nghiên cứu tiểu hành tinh này từ độ cao khoảng 700 km so với bề mặt của nó. Đặc biệt, thiết bị trên tàu như từ kế sẽ giúp xác định xem tiểu hành tinh có từ trường hay không. Trong khi đó, máy ảnh đa phổ có thể giúp chụp ảnh và lập bản đồ bề mặt tiểu hành tinh.

Trước đó, vào tháng 8/2021, để thực hiện nhiệm vụ 16 Psyche, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Caltech (Pasadena, California) đã tạo ra một bản đồ nhiệt độ mới nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các đặc tính bề mặt của hành tinh này. Nghiên cứu này đã sử dụng hệ thống quan sát thiên văn ALMA ở Chile với 66 kính viễn vọng vô tuyến hiện đại. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã có được hình ảnh hồng ngoại với độ phân giải 50 pixel về bề mặt của tiểu hành tinh này.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định rằng, tiểu hành tinh Psyche 16 có chứa ít nhất 30% kim loại và những lớp đá ở trên bề mặt cũng có kim loại.

Những phát hiện này được coi như bước tiến để giúp giải mã về nguồn gốc bí ẩn của tiểu hành tinh trên. Chuyến thám hiểm của NASA cũng sẽ là hành trình khám phá đầu tiên vào một tiểu hành tinh kim loại, thay vì đá và băng giống như hầu hết các tiểu hành tinh khác. Tiểu hành tinh 16 Psyche chủ yếu chứa sắt và niken tương tự như Trái Đất.

Theo Giáo sư trợ lý khoa học hành tinh và thiên văn học Katherine de Kleer tại Viện Công nghệ California: "Chúng tôi cho rằng các mảnh vỡ của lõi, lớp phủ và lớp vỏ của những vật thể vẫn còn tổn tại cho đến ngày nay dưới dạng tiểu hành tinh. Nếu điều đó là đúng, nó có thể mang lại cho chúng ta cơ hội duy nhất để tiến hành nghiên cứu trực tiếp lõi của các vật thể giống hành tinh".

Bài viết tham khảo nguồn: NASA, Futurism, Smithsonianmag, Caltech

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nasa-chuan-bi-kham-pha-hanh-tinh-toan-vang-vuot-qua-gia-tri-nen-kinh-te-cua-trai-dat-20221104165002431.htm