NASA chụp được 'hình ảnh 5 tỉ năm sau của Mặt trời'
Siêu kính viễn vọng James Webb đã chụp được hình ảnh ngoạn mục về một con mắt vũ trụ màu xanh lục và tím phát sáng, được coi như bản xem trước về tương lai của Mặt trời.
Theo Sci-News, vật thể ngoạn mục nói trên là Tinh vân Chiếc Nhẫn, vốn đã được biết đến trước đây nhờ góc nhìn của các kính thiên văn cũ hơn.
Tuy nhiên sức mạnh của kính viễn vọng không gian James Webb, được phát triển và điều hành chính bởi NASA, hỗ trợ bởi ESA và CSA (lần lượt là các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada), đã giúp quan sát tinh vân này dưới ánh sáng hoàn toàn mới.
Tinh vân Chiếc Nhẫn còn được gọi là Mesier 57 (M57), nằm cách chúng ta 2.200 năm ánh sáng với các chi tiết cực kỳ phức tạp, nổi bật giữa chòm sao Thiên Cầm.
Vòng khí bụi phát sáng của nó có thể được nhìn thấy bằng các kính thiên văn cá nhân cỡ nhỏ trong suốt mùa hè.
Tinh vân Chiếc Nhẫn thực ra là "xác chết" của một ngôi sao lớn, phát nổ vào cuối đời. Trong một sự nhầm lẫn kỳ quặc lâu đời, dạng tinh vân này được gọi là "tinh vân hành tinh", dù không tạo ra từ bất kỳ hành tinh nào.
Trái tim của tinh vân là một sao lùn trắng, là "zombie" của ngôi sao sau lần chết đầu tiên.
Mặt trời cũng sẽ chết theo trình tự đó vào khoảng 5 tỉ năm nữa, khi nó cạn năng lượng. Đầu tiên nó sẽ bùng lên thành sao khổng lồ đỏ - có thể nuốt luôn 3 hành tinh gần nhất bao gồm chúng ta - rồi sụp đổ thành sao lùn trắng.
Sau một thời gian tồn tại như một "xác sống", nó sẽ chết thật sự bằng cách phát nổ lần nữa, tạo thành tinh vân.
Vì vậy, hình ảnh sắc nét của M57 được xem như bản xem trước cho tương lai của ngôi sao mẹ đã đi được nửa cuộc đời của chúng ta.