NASA công bố những hình ảnh mới từ Kính viễn vọng không gian James Webb

Sau nhiều thập kỷ chờ đợi, công chúng đã được chiêm ngưỡng những bức ảnh vũ trụ đầu tiên từ kính thiên văn James Webb. Những hình ảnh này cung cấp cho con người cái nhìn rõ hơn về vũ trụ sơ khai.Những hình ảnh đầu tiênKính thiên văn James Webb

Trong một sự kiện diễn ra tại Nhà Trắng hôm 12/7, Tổng thống Joe Biden đã công bố ảnh màu đầu tiên từ James Webb, đánh dấu hình ảnh sâu và chi tiết nhất về vũ trụ. Các bức ảnh màu có độ phân giải cao đã được NASA tiếp tục công bố vào hôm 13/7.

Hình ảnh đầu tiên có tên “Deep Field” (Vùng sâu) cho thấy cụm thiên hà SMACS 0723, cách Trái Đất 4,6 tỷ năm ánh sáng, với các thiên hà khác lấp lánh ở phía sau. Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết cụm thiên hà này được tạo ra từ vụ nổ Big Bang xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm.

Bức ảnh "Deep Field" về cụm thiên hà SMACS 0723 (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bức ảnh "Deep Field" về cụm thiên hà SMACS 0723 (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Hình ảnh tiếp theo được NASA tiết lộ là "Star Death" (Ngôi sao chết) cho thấy một đám mây bụi và những tia sáng bao quanh một ngôi sao sắp chết có tên NGC 3132, còn được gọi là Tinh vân Vành đai phía Nam. Nó nằm cách Trái đất khoảng 2.500 năm ánh sáng. NASA cho biết, những chi tiết mới từ James Webb sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các ngôi sao tiến hóa và biến đổi môi trường quanh chúng.

Bức ảnh "Star Death" về ngôi sao sắp chết NGC 3132 (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bức ảnh "Star Death" về ngôi sao sắp chết NGC 3132 (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bức ảnh tiếp theo chụp “Stephan's Quintet” (Bộ tứ Stephan). Đó là một chùm thiên hà trong chòm sao Pegasus, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1787. 4 trong số 5 thiên hà tạo thành 1 liên kết vật lý đặc biệt gọi là Nhóm Hickson Compact 92 (HCG 92), chúng nằm cách Trái Đất 290 triệu năm ánh sáng. Trong khi đó, tinh vân còn lại nằm có phần tách biệt có tên là NCG 7320 và cách chúng ta khoảng 40 triệu năm ánh sáng.

Bức ảnh "Stephan's Quintet” về thiên hà cùng tên (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bức ảnh "Stephan's Quintet” về thiên hà cùng tên (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Hình ảnh cuối cùng có tên “Cosmic Cliffs” (Vách đá vũ trụ), chụp lại tinh vân Carina. Nằm cách Trái Đất 7.600 năm ánh sáng, Tinh vân Carina là một vườn ươm sao, nơi các ngôi sao được sinh ra. Nó là một trong những tinh vân lớn nhất và sáng nhất trên bầu trời, nói có các ngôi sao khổng lồ với kích thước lớn hơn nhiều so với Mặt Trời. Qua ống kính James Webb, tinh vân Carina như một cảnh quan núi non và thung lũng hùng vĩ.

Bức ảnh “Cosmic Cliffs” về tinh vân Carina (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bức ảnh “Cosmic Cliffs” về tinh vân Carina (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Việc phát triển đài quan sát không gian hàng đầu thế giới bắt đầu vào năm 2004. Sau nhiều năm trì hoãn, kính thiên văn James Webb cuối cùng đã được phóng vào vũ trụ vào ngày 25/12/2021. Kính viễn vọng này có kinh phí 8,8 tỷ USD và hoạt động trong quỹ đạo quay quanh Mặt Trời cách Trái Đất 1,5 triệu km (xa gấp 4 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng).

NASA gọi "James Webb" là người kế nhiệm của kính viễn vọng Hubble, được phóng vào không gian vào năm 1990. Kính thiên văn mới nhạy hơn Hubble khoảng 100 lần. James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, cùng với các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua bụi và khí.

Các nhà khoa học kỳ vọng James Webb sẽ cung cấp những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, đồng thời tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Theo Phó Quản trị viên NASA Pam Melroy, sứ mệnh này dự kiến sẽ kéo dài trong 10-20 năm.

Amber Straughn, nhà khoa học tại NASA cho biết: "Mỗi khi chúng tôi phóng một công cụ mang tính cách mạng vào không gian, chúng tôi lại biết thêm những điều hoàn toàn khiến chúng tôi ngạc nhiên, đồng thời khiến chúng tôi thay đổi hiểu biết cơ bản về cách vũ trụ hoạt động”.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/nasa-cong-bo-nhung-hinh-anh-moi-tu-kinh-vien-vong-khong-gian-james-webb-164469.html