NASA đã kết nối thành công với tàu vũ trụ Voyager 2 sau hai tuần mất liên lạc

NASA cho biết hôm thứ Sáu (4/8) rằng họ đã thành công trong việc thiết lập lại liên lạc đầy đủ với tàu vũ trụ Voyager 2 bằng cách sử dụng máy phát công suất cao nhất của mình, được ví như 'Tiếng hét giữa các vì sao', để điều chỉnh lại ăng-ten của tàu thăm dò này.

Ra mắt vào năm 1977 để khám phá các ngoại hành tinh và đóng vai trò là ngọn hải đăng của loài người trong vũ trụ rộng lớn, hiện Voyager 2 cách hành tinh của chúng ta hơn 19,9 tỷ km, tức vượt ra ngoài cả hệ mặt trời.

 Tàu Voyager 2 được ví như ngọn hải đăng của nhân loại bên ngoài vũ trụ. Ảnh: NASA

Tàu Voyager 2 được ví như ngọn hải đăng của nhân loại bên ngoài vũ trụ. Ảnh: NASA

Thành công nhờ "Tiếng hét giữa các vì sao"

Vào ngày 21/7, một số mệnh lệnh được gửi đến tàu vũ trụ này đã mắc lỗi, khiến khiến ăng-ten liên lạc với Trái đất của nó lệch chuẩn 2 độ, ảnh hưởng đến khả năng gửi và nhận tín hiệu của nó.

Theo dự kiến ban đầu, việc khắc phục sự cố sẽ chỉ có thể được diễn ra vào 15 tháng 10 khi Voyager 2 được lên kế hoạch thực hiện một thao tác sắp xếp lại tự động.

Nhưng vào thứ Ba vừa rồi, các kỹ sư đã tranh thủ sự trợ giúp của nhiều đài quan sát Trái đất, nhóm hình thành nên Mạng không gian sâu (DSN), để phát hiện sóng từ Voyager 2, mặc dù tín hiệu bàn đầu còn khá yếu.

Tuy nhiên, theo một bản thông báo mới vào thứ Sáu, Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (JPL), nơi chế tạo và vận hành con tàu này, cho biết họ đã thành công trong một nỗ lực liên tục để gửi các hướng dẫn điều chỉnh tàu.

JPL cho biết trong một tuyên bố, cái gọi là "Tiếng hét giữa các vì sao" này cần 18,5 giờ di chuyển với tốc độ ánh sáng để đến được Voyager 2 và phải mất 37 giờ để xác nhận liệu nỗ lực có thành công hay không, khi tín hiệu lại mất từng đấy thời gian để trở về Trái đất.

JPL cho biết thêm: Tàu thăm dò bắt đầu trả về dữ liệu khoa học và tín hiệu vào lúc 12:29 sáng theo giờ miền Đông vào ngày 4 tháng 8, "cho thấy nó đang hoạt động bình thường và nó vẫn nằm trên quỹ đạo dự kiến".

Ngọn hải đăng của nhân loại

Voyager 2 đã rời khỏi bong bóng từ trường do Mặt trời tạo ra, được gọi là nhật quyển, vào tháng 12 năm 2018 và hiện đang du hành trong không gian liên sao, tức giữa các hệ mặt trời khác nhau.

Trước khi rời khỏi hệ mặt trời của chúng ta, nó đã khám phá Sao Mộc và Sao Thổ, đồng thời trở thành tàu vũ trụ đầu tiên và duy nhất cho đến nay đến thăm được Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.

 Vào ngày 4 tháng 8 năm 1977, bản ghi “Âm thanh của Trái đất” được gắn trên tàu vũ trụ Voyager 2 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ. Ảnh: NASA

Vào ngày 4 tháng 8 năm 1977, bản ghi “Âm thanh của Trái đất” được gắn trên tàu vũ trụ Voyager 2 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ. Ảnh: NASA

Người anh em sinh đôi của Voyager 2 là Voyager 1 là tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại đi vào môi trường liên sao vào năm 2012 và hiện đang cách Trái đất hơn 24 tỷ km.

Cả hai đều mang theo bản ghi âm "Golden Records", hay còn gọi là bản ghi "Âm thanh của Trái đất". Đây là đĩa đồng mạ vàng 12 inch nhằm gửi thông điệp hòa bình của hành tinh chúng ta đến người ngoài hành tinh.

Các thiết bị gửi đi còn bao gồm một bản đồ về hệ mặt trời của chúng ta, một mảnh uranium đóng vai trò là đồng hồ phóng xạ cho phép người ngoài hành tinh biết được thời điểm phóng và các biểu tượng khác về loài người chúng ta.

Hiện tại, hai tàu Voyager vẫn tiếp tục truyền dữ liệu khoa học trở lại Trái đất, mặc dù nguồn năng lượng của nó dự kiến sẽ cạn kiệt vào khoảng năm 2025. Sau đó, chúng sẽ tiếp tục lang thang vô định trong Dải Ngân hà, cho đến khi có thể được phát hiện bởi một nền văn minh nào đó trong vũ trụ.

Hoàng Hải (theo NASA, AFP, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nasa-da-ket-noi-thanh-cong-voi-tau-vu-tru-voyager-2-sau-hai-tuan-mat-lien-lac-post259138.html