NASA khởi động sứ mệnh 'hậu OSIRIS-REx'
Hôm 25-9, mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu đã được chuyển tới Trung tâm Vũ trụ Johnson (JSC) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở TP Houston, bang Texas.
Trước đó, mẫu vật được NASA và lực lượng không quân Mỹ thu thập thành công trong một viên nang mà tàu vũ trụ OSIRIS-REx thả xuống trái đất tối 24-9 (giờ Việt Nam), hạ cánh tại Khu huấn luyện và thử nghiệm Utah của Bộ Quốc phòng Mỹ (bang Utah - Mỹ).
Mẫu vật gồm 250 g đá và bụi từ Bennu. NASA giữ lại 70% số này; 25% tiếp theo chia cho hơn 200 nhà khoa học từ 35 cơ sở nghiên cứu khác nhau trên thế giới; 4% dành cho Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA); Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) nhận 0,5% còn lại.
Theo Quản trị viên NASA Bill Nelson, tiểu hành tinh Bennu chứa các khối xây dựng được bảo tồn từ bình minh của hệ mặt trời. Do đó, mẫu vật này mang lại "cái nhìn thoáng qua phi thường" về 4,5 tỉ năm trước, qua đó giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách trái đất và sự sống trên nó hình thành.
Ngoài ra, Bennu là tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm cho trái đất và những gì các nhà khoa học tìm hiểu được từ mẫu vật sẽ giúp họ hiểu hơn về những vật thể nguy hiểm khác có thể bay tới chúng ta.
Trong sứ mệnh cùng tên trị giá 1 tỉ USD của NASA, tàu mẹ OSIRIS-REx đã quan sát cận cảnh Bennu trong các năm 2018 - 2020. Những dữ liệu này có thể giúp ích cho nỗ lực làm chệch hướng Bennu (nếu cần) vào năm 2182, thời điểm NASA dự báo nó có xác suất nhỏ va chạm với trái đất.
Cũng trong ngày 24-9, NASA đã khởi động sứ mệnh mới mang tên OSIRIS-APEX bằng cách chuyển hướng tàu OSIRIS-REx chỉ 20 phút sau khi trả mẫu, đưa nó tiến đến tiểu hành tinh Apophis.
Apophia có đường kính khoảng hơn 300 m, sẽ áp sát trái đất với khoảng cách chỉ 32.187 km vào năm 2029, tức chỉ 1/10 khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. OSIRIS-APEX sẽ đi vào quỹ đạo của Apophis ngay sau cú áp sát này để quan sát liệu lần "suýt chạm trán" ảnh hưởng như thế nào đến quỹ đạo, tốc độ quay và bề mặt của tiểu hành tinh.