NASA phóng thành công tên lửa thuộc sứ mệnh Artemis 1

Vào lúc 13 giờ 47 phút ngày 16/11 (giờ Việt Nam), siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Mũi Canaveral thuộc bang Florida, mang theo tàu vũ trụ Orion không có phi hành đoàn thực hiện chuyến bay quanh Mặt trăng và trở lại Trái đất trong vòng 3 tuần.

Hệ thống SLS-Orion của NASA rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Hệ thống SLS-Orion của NASA rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Sau khi kết thúc thời gian đếm ngược, 4 động cơ chính R-25 và 2 động cơ đẩy của SLS đã khai hỏa, tạo ra lực đẩy 8,8 triệu pound đưa tên lửa SLS-Orion bay vào vũ trụ, thắp sáng bầu trời đêm trên bờ biển không gian trung tâm Đại Tây Dương của Florida.

Tiếng gầm của động cơ tên lửa đẩy đã làm rung chuyển cả trung tâm vũ trụ, khiến đám đông người chứng kiến hò reo và hét lên đầy phấn khích.

“Thật tuyệt vời khi chứng kiến khoảnh khắc này. Bạn có thể cảm nhận rõ ánh sáng và âm thanh phát ra từ vụ phóng” - phi hành gia Jessica Meir, một trong những ứng viên cho phi hành đoàn Artemis của NASA trong tương lai, cho hay.

Theo thiết kế, khoảng 90 phút sau khi phóng, tầng trên của tên lửa sẽ đẩy phi thuyền Orion ra khỏi quỹ đạo Trái đất để bắt đầu hành trình kéo dài 25 ngày, bay đến vị trí cách bề mặt Mặt trăng 60 dặm (97km), sau đó di chuyển 40 nghìn dặm (64.374km) trên quỹ đạo quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất.

Tàu Orion dự kiến sẽ rơi xuống biển vào ngày 11/12.

Vụ phóng diễn ra sau 2 lần bị trì hoãn do lỗi kỹ thuật (rò rỉ nhiên liệu) và thời tiết không thuận lợi (ngày 29/8 và 3/9), đánh dấu sứ mệnh đầu tiên (Artemis 1) trong chương trình Artemis đầy tham vọng của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng sau gần 50 năm.

Sự kiện này cũng báo hiệu một thay đổi lớn về phương hướng đối với chương trình đưa con người vào vũ trụ thời kỳ hậu kỷ nguyên Apollo của NASA, sau nhiều thập kỷ tập trung vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp với các tàu con thoi và Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Mười hai phi hành gia đã đi bộ trên Mặt trăng trong 6 chuyến bay có phi hành đoàn thuộc chương trình Apollo được thực hiện trong giai đoạn 1969-1972.

Chương trình Artemis - được đặt theo tên nữ thần là chị em sinh đôi của Apollo trong thần thoại Hy Lạp cổ đại - nhằm đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025, từ đó làm bước đệm để thực hiện những chuyến đi tham vọng hơn đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Vụ phóng này là bài thử nghiệm nghiêm ngặt trên thực tế để đánh giá mức độ sẵn sàng của SLS trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. Nếu thành công, sứ mệnh Artemis 1 sẽ mở đường cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của SLS-Orion (hay còn gọi là sứ mệnh Artemis 2), đưa các phi hành gia bay quanh Mặt trăng nhưng không đáp xuống bề mặt - dự kiến được thực hiện vào năm 2024.

Hệ thống tên lửa SLS-Orion bay vào vũ trụ, thắp sáng bầu trời đêm trên bờ biển không gian trung tâm Đại Tây Dương của Florida. (Ảnh: Reuters)

Hệ thống tên lửa SLS-Orion bay vào vũ trụ, thắp sáng bầu trời đêm trên bờ biển không gian trung tâm Đại Tây Dương của Florida. (Ảnh: Reuters)

Sứ mệnh Artemis 3 sẽ chứng kiến các phi hành gia (trong đó có một phụ nữ) hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, với mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài ở đó.

Với chiều cao 98m, SLS được coi là hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất mà NASA phát triển kể từ sau tên lửa đẩy Saturn V - được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.

Mặc dù không có con người trên tàu, Orion đã mang theo một phi hành đoàn mô phỏng gồm 3 ma-nơ-canh (1 nam và 2 nữ) - được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những căng thẳng khác mà các phi hành gia sẽ phải trải qua trên thực tế.

Mục tiêu chính của sứ mệnh Artemis 1 là kiểm tra độ bền tấm chắn nhiệt của tàu Orion trong quá trình quay trở lại từ quỹ đạo Mặt trăng, khi nó thâm nhập bầu khí quyển Trái đất với tốc độ 24.500 dặm (39.429km) mỗi giờ - nhanh gấp 32 lần tốc độ âm thanh.

Tấm chắn nhiệt của Orion được thiết kế để có thể chịu được lực ma sát dự kiến sẽ làm tăng nhiệt độ ngoài thân tàu lên gần 5.000 độ F (khoảng 2.760 độ C).

Theo lập trình, sau khi tiến vào không gian, tàu Orion sẽ phóng ra 10 vệ tinh khoa học cỡ nhỏ dạng CubeSat, một trong số đó có nhiệm vụ thiết lập bản đồ lượng băng dồi dào trên cực nam của Mặt trăng - vị trí hạ cánh trong tương lai của các phi hành gia thuộc chương trình Artemis.

Sau hơn một thập kỷ phát triển với nhiều năm trì hoãn và ngân sách vượt dự kiến hàng tỷ USD, cho đến nay hệ thống SLS-Orion (gồm tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion) đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỷ USD, bao gồm việc thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và các cơ sở trên mặt đất.

Văn phòng Tổng thanh tra của NASA dự báo, tổng chi phí cho chương trình Artemis có thể lên tới 93 tỷ USD vào năm 2025.

Giám đốc NASA Bill Nelson đã ví chương trình khám phá Mặt trăng Artemis là “một động lực kinh tế”, đồng thời cho biết chỉ riêng trong năm 2019, chương trình này đã giúp gặt hái 14 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và tạo việc làm cho 70 nghìn người tại Mỹ.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nasa-phong-thanh-cong-ten-lua-thuoc-su-menh-artemis-1-post725183.html