NASA thành công đưa mẫu vật quý giá về Trái Đất
Tàu thăm dò của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở về Trái Đất thành công với một mẫu vật tiểu hành tinh Bennu sau gần 3 năm lưu trong tàu.
Ngày 24/9 (giờ địa phương), tàu thăm dò OSIRIS-REx đưa mẫu vật trở về Trái Đất tại sa mạc ở bang Utah, miền Tây nước Mỹ.
"Xin chúc mừng nhóm OSIRIS-REx. Các bạn đã làm được!", Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson phát biểu trong một video được phát sóng trực tiếp.
Đây là mẫu vật tiểu hành tinh thứ 3 và là mẫu lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại được mang trở lại Trái đất để phân tích, sau hai sứ mệnh tương tự của cơ quan vũ trụ Nhật Bản năm 2010 và 2020.
Tiểu hành tinh được lựa chọn là Bennu, nằm cách Trái Đất khoảng 6,2 tỷ km. Mẫu vật được thu thập từ tiểu hành tinh này vào năm 2020, và được lưu trữ trong viên nang của tàu thăm dò OSIRIS-REx kể từ đó.
Bennu được phân loại là "vật thể gần Trái đất" vì cứ 6 năm một lần, tiểu hành tinh này có quỹ đạo di chuyển tương đối gần Trái đất.
Ngay khi đáp đất, viên nang đã được tiếp cận và kiểm tra kỹ lưỡng bởi các nhân viên phục hồi của NASA. Cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy viên nang còn nguyên vẹn và không bị thủng trong quá trình hạ cánh.
Theo dự kiến, viên nang sẽ được mở vào ngày 26/9 để thu hồi mẫu vật quý giá của tiểu hành tinh Bennu. Mẫu vật sau đó được đưa tới Trung tâm Vũ trụ Johnson (JSC) của NASA ở Houston, Texas, Mỹ.
NASA sẽ giữ 70% mẫu vật để phân tích trong nhiều năm tới. 25% sẽ được chia sẻ giữa hơn 200 nhà khoa học tại 35 cơ sở khác nhau. 4% được trao cho Cơ quan Vũ trụ Canada và 0,5% cho Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Các nhà khoa học hy vọng mẫu vật sẽ giúp hiểu thêm về sự hình thành hệ Mặt Trời và cách thức Trái Đất trở thành hành tinh có sự sống.